Chi tiền vô tội vạ
Theo báo cáo thu chi kinh phí ngân sách của Văn phòng UBND huyện Tân Hiệp, trong tháng 1 và 2/2021, Văn phòng UBND huyện đã chi tiền mua bia và trả cho các quán nhậu gần 100 triệu đồng và nhiều khoản chi “trời ơi” khác. Đặc biệt, nơi đây còn chi tiền hỗ trợ tết cho cán bộ kho bạc, cán bộ phòng tài chính huyện 13 triệu đồng.
Bà Huỳnh Ái Lan, Quyền Chủ tịch UBND huyện đã “chơi sang” khi duyệt chi mua 2 cây mai, mỗi cây 25 triệu đồng, 1 cây vú sữa 60 triệu đồng. Để về thay thế 2 cây mai và một cây sung đã tồn tại từ mấy nhiệm kỳ trước cửa UBND huyện.
Duyệt chi mua 3 cây cảnh này với giá 110 triệu đồng
Ông Nguyễn Văn Bảy một người chơi cây cảnh sau khi “thẩm định” cho biết: “Giá 2 cây mai đó mua vào mỗi cây 5 triệu đồng là đắt lắm rồi. Không ai phí tiền như thế! Còn cây vú sữa giá thị trường cũng chỉ khoảng 10 triệu, giá này đã bao gồm công vận chuyển và trồng. Chắc tiền nhà nước nên họ không xót? Dư luận đặt vấn đề vì sao 2 cây mai và cây sung lại biến mất?”.
Ngày 15/3/2021, bà Ái Lan “ra tay” duyệt bố trí kinh phí 750 triệu đồng để xây thêm một nhà nhà ăn nữa cho Văn phòng HĐND-UBND huyện. Điều đáng nói, nhà ăn hiện có (nhà ăn cũ) cũng mới được đầu tư xây dựng mấy năm gần đay va đang còn sử dụng tốt, cũng không quá tải.
Việc xây dựng công trình nhà ăn này không qua đấu thầu, UBND huyện Tân Hiệp đã chỉ định một đơn vị “quen biết” thi công. Tuy nhiên số tiền chi cho nhà ăn này chưa dừng lại ở đó. Ngày 1/7/2021, bà Huỳnh Ái Lan đã “quyết” cho chủ trương phát sinh tăng tổng mức đầu tư lên 1,1 tỷ đồng. Công trình nhà ăn tiền tỷ này có dấu hiệu chất lượng không đảm bảo. Sau khi nghiệm thu được vài ngày, chiếc máy lạnh trong nhà ăn đã tự động rơi ra khỏi tường, treo lủng lẳng đe dọa tính mạng những người vào phòng ăn.
Trù dập người tố cáo?
Bà Hà Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Tân Hiệp I, khi làm quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng thì từ cơ sở đến Huyện ủy, UBND huyện đều thống nhất đồng ý. Đầu tháng 9/2020, UBND huyện Tân Hiệp có thông báo kết luận thống nhất bà Loan giữ chức vụ hiệu trưởng nhà trường.
Tuy nhiên ngày 13/9/2020, bà Huỳnh Ái Lan (lúc này là Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp), yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục làm tờ trình ghi ngày 11/9 (ghi lùi ngày) chỉ đạo thay đổi nhân sự. Theo đó, điều động ông Đỗ Hồng Phong, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Hoà 2 về làm Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Tân Hiệp I (nơi cô Loan đã được UBND huyện thông báo thống nhất giữ chức hiệu trưởng vài ngày trước đó). Ngày 14/9/2020, tại cuộc họp lấy ý kiến trong Thường trực UBND huyện và các ngành chuyên môn, bà Lan cho rằng cô Loan có biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo trong phát ngôn, lối sống… Vì lý do này, việc bổ nhiệm nhân sự ở Trường tiểu học thị trấn Tân Hiệp I đã được thực hiện theo đúng “ý đồ” của bà Lan.
Điều này khiến dư luận bức xúc là nếu cô Loan vi phạm đạo đức nhà giáo như bà Lan quy kết thì phải có bằng chứng, có kết luận của ngành chức năng. Cho rằng, phát biểu của bà Lan không khách quan, gây bức xúc trong dư luận, nên tập thể giáo viên làm đơn khiếu nại.
Tháng 3/2021, UBND huyện Tân Hiệp đã thành lập tổ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, năng lực chuyên môn, đạo đức lối sống và quy chế dân chủ trong cơ quan đối với bà Hà Thị Bích Loan... Tổ kiểm tra sau đó đã kết luận những cáo buộc đối với bà Loan nói trên là không có cơ sở. Ngày 1/10/2021, ông Nguyễn Minh Thể, Bí thư – Chủ tịch UBND huyện đã ký quyết định bổ nhiệm cô giáo Loan làm Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Tân Hiệp I.
Đầu năm 2021, bà Thạch Thị Hiếu (công chức văn phòng HĐND-UBND huyện) làm đơn tố cáo bà Huỳnh Ái Lan về các hành vi vi phạm pháp luật gửi cơ quan chức năng. Để “dằn mặt” người tố cáo, ngày 15/3/2021, bà Lan ra quyết định số 988 thành lập đoàn thanh tra việc chấp hành chính sách đối với các giấy chứng nhận quyền SDĐ có lên quan đến bà Hiếu. Đến ngày 29/3/2021, Thanh tra huyện Tân Hiệp có tờ trình gửi UBND huyện đề nghị thu hồi quyết định này vì thanh tra không đúng đối tượng theo quy định và nội dung bà Lan đề nghị thanh tra đã được xử lý trước đó. Vì vậy ngày 1/4/2021, Lan phải ra quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định số 988 của chính mình.
Tuy nhiên bà Hiếu tiếp tục bị “ra đòn”, một đoàn kiểm tra mới của huyện được thành lập để kiểm tra quá trình thực hiện nhiệm vụ tại văn phòng HĐND-UBND huyện, nội dung tập trung vào việc tham mưu trình ký các giấy chứng nhận quyền SDĐ sai quy định. Mặc dù nội dung này đã được bà Hiếu báo cáo và cơ quan chức năng cũng đã xử lý từ trước đó...
Trao đổi với PV, bà Hiếu cho biết đã tiếp tục làm đơn tố cáo về những sai phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng ngân sách nước vào việc ăn nhậu và những khoản chi khác… của UBND huyện Tân Hiệp dưới sự điều hành của bà Ái Lan với số tiền hơn 400 triệu đồng. Các nội dung tố cáo này đang được Thanh tra tỉnh thanh tra xác minh làm rõ theo quy định.
Có hiện tượng mất đoàn kết nội bộ
Trước khi về làm Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp vào tháng 8/2020, bà Huỳnh Ái Lan là Chủ tịch MTTQVN huyện. Tháng 10/2020, bà Lan giữ chức Quyền Chủ tịch UBND huyện. Khi đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang quyết định giao Quyền chủ tịch UBND huyện cho bà Lan, ông Nguyễn Văn Đức Chủ tịch UBND huyện (thời điểm đó) đã làm sai qui trình khi không báo cáo với Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực UBND huyện Tân Hiệp, không tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
Liên tục trong nhiều tháng, từ đầu năm 2021 đến tháng 7/2021, đặc biệt là trong tháng 5, trước kỳ họp lần Thứ nhất HĐND huyện để bầu nhân sự, trên mạng xã hội và kênh youtube tên Lê Hữu Phước liên tục đăng tải các nội dung bêu xấu gần như toàn bộ lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tân Hiệp. Các vị lãnh đạo này cũng lần lượt bị một người tố cáo đến cơ quan chức năng. Nhưng người tố cáo là ai thì đến nay các cơ quan chức năng vẫn không biết vì nhiều lần mời đến làm việc, hợp tác để cung cấp chứng cứ cũng như làm rõ hơn nội dung tố cáo thì người này không xuất hiện. Điều lạ hơn nữa, là chỉ duy nhất bà Huỳnh ÁI Lan là không có bị bêu xấu trên mạng xã hội cũng như bị người này tố cáo.
Qua làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Hiệp, Thường trực Tỉnh uỷ Kiên Giang cho rằng có hiện tượng mất đoàn kết trong Đảng bộ huyện Tân Hiệp. “Thường trực Tỉnh ủy nhận thấy có hiện tượng tranh chức, tranh quyền, kèn cựa địa vị; sự phối hợp giữa Thường trực Huyện ủy và Thường trực UBND huyện chưa tốt, còn rời rạc và không thống nhất với nhau, đã dẫn đến thực hiện nhiệm vụ chính trị trên một số mặt còn chậm, đình trệ. Sức chiến đấu, hiệu quả công việc của từng tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị không cao; công tác phát triển đảng viên đạt tỷ lệ rất thấp; nảy sinh nhiều khiếu kiện trong nội bộ và ngày càng gia tăng, nhất là trong thời gian gần đây”, trích nội dung Kết luận số 299-TB/TU ngày 12/5/202 của Tỉnh ủy Kiên Giang.
Liên quan đến những vấn đề “lùm xùm” kéo dài trên, sáng ngày 14/10, trả lời PV báo Kinh tế và Đô thị, ông Mai Văn Huỳnh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: “Tỉnh ủy đã làm và đang tiếp tục làm tiếp do phát sinh những tình tiết mới, chúng tôi đang chỉ đạo cho anh em nắm lại. Không có chuyện dung túng, bao che cho cán bộ vi phạm...”.