Mới đây, chúng tôi ghi nhận một câu chuyện cho vay của anh V.H.S. trên diễn dàn tư vấn pháp lý. Cụ thể, anh S. cho biết vào tháng 11/2019, anh đã cho anh N. vay số tiền 110 triệu đồng không lấy lãi, thời hạn cho vay được hai bên đồng ý thỏa thuận là 1 năm. Để đảm bảo khoản vay được trả đúng hạn, anh trai ruột của anh N. là anh T. đã đứng ra làm người bảo lãnh. Anh T. đã viết giấy tay cam kết thế chấp sổ hồng của mình và để giấy tờ nhà đất này cho anh S. giữ. Cùng với đó, anh T. cũng cam kết sẽ cho anh S. quyền sử dụng đất nếu anh N. không trả nợ đúng hạn.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại là đã gần 2 năm anh N. không trả nợ. Lúc này anh S. cũng rất hoang mang bởi vì khi thế chấp sổ hồng thì anh T. chỉ viết tay và không công chứng hợp đồng. Theo anh S. được biết thế chấp quyền sử dụng đất phải được công chứng, thì mới có hiệu lực. Như vậy, nếu thỏa thuận thế chấp tài sản trên có thật sự vô hiệu hay không, nghĩa vụ bảo lãnh của anh T. có chấm dứt theo hay không? Và anh S. làm sao để lấy lại tiền nợ?
Hợp đồng được các bên giao kết dưới hình thức văn bản viết tay. Nguồn ảnh Internet.
Trước hết, căn cứ theo khoản 1 Điều 335 của Bộ luật dân sự 2015, hình thức bảo lãnh được quy định là người bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Theo đó, anh T. đã bảo lãnh cho anh N. đi vay nợ, nhưng đến hạn anh N. không thực hiện việc trả nợ, thì anh T. trở thành người có nghĩa vụ thanh toán nợ cho chủ nợ là anh S.
Với vai trò là người bảo lãnh, anh T. đã thỏa thuận nếu em trai anh không trả nợ đúng thời hạn thì anh S. có quyền sử dụng đất. Mặc dù theo quy định của pháp luật, thế chấp quyền sử dụng đất mà không công chứng theo quy định pháp luật thì vô hiệu, nhưng theo Điều 36 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, vì anh S. đã giữ sổ hồng theo thỏa thuận nên hợp đồng không bị vô hiệu. Hiện tại, anh T. vẫn có nghĩa vụ bảo lãnh cho anh N., đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ cho anh S.
|