Sáng 27/11, TAND TP Hồ Chí Minh đưa các bị cáo: Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng TMCP Đông Á - DAB), Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) cùng 24 đồng phạm ra xét xử sơ thẩm vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB). Phiên tòa dự kiến kéo dài từ 27/11 đến 25/12.
Lúc hơn 8 giờ, hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu làm việc với phần kiểm tra lý lịch.
Trả lời chủ tọa, bị cáo Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” cho biết ngoài tên chính bị cáo còn dùng 2 tên khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ. Về quốc tịch bị cáo khai có 2 quốc tịch gồm Việt Nam và và Antigua.
Ngoài chức danh nguyên Chủ tịch Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, bị cáo còn là nguyên chủ tịch Công ty No Va Bắc Nam.
Vũ “nhôm” cũng khai “không biết về việc thay đổi hộ khẩu thường trú là Phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh” mà chỉ nhớ hộ khẩu trước khi bị bắt là 82 Trần Quốc Toản, P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
Đến 9 giờ 20, HĐXX vẫn tiếp tục phần thủ tục, thẩm tra lý lịch của các bị cáo.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị xét xử tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" với khung hình phạt 20 năm tù đến tù chung thân.
Trong vụ án này, Ngân hàng Đông Á được xác định là nguyên đơn dân sự. Ngoài 27 tổ chức thì có 306 cá nhân được triệu tập đến tòa với tư cách là người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ được dẫn giải vào tòa sáng nay.
Theo cáo trạng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 chiếm đoạt gây thiệt hại cho DAB hơn 203 tỷ đồng, trong tổng số hơn 3.600 tỷ đồng.
Năm 2013, DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, Trần Phương Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ ngân hàng từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng để thu hút vốn đầu tư, mong muốn DAB có tiềm lực về tài chính, quan hệ đầu tư vào ngân hàng để có tiền xử lý khó khăn tại ngân hàng và để nâng cao thương hiệu, vị thế của DAB.
Do quen biết nhau từ trước, ông Bình và ông Vũ bàn bạc và thống nhất, ông Vũ mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng khi ngân hàng này tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014, mục đích để ông Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.
Nguồn tiền mua cổ phần DAB do ông Vũ thế chấp 220 lô đất tại Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng của DAB (đến nay khoản vay này đã được tất toán). Với 200 tỷ đồng còn lại, ông Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho ông Vũ và ông Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỷ đồng vào DAB để Vũ có được 200 tỷ đồng tham gia mua cổ phần DAB.
Cụ thể, ngày 17/1/2014, ông Bình chỉ đạo thuộc cấp làm thủ tục thu khống 200 tỷ đồng của ông Vũ nhưng DAB sử dụng tiền trong quỹ xuất 200 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 mở tại DAB CN Đà Nẵng. Cuối ngày, Nguyễn Đức Vinh (cựu Trưởng phòng ngân quỹ Hội sở DAB) chỉ đạo Đỗ Thanh Hùng (cựu Thủ quỹ Hội sở DAB) tiếp nhận điều chuyển khống 200 tỷ đồng từ DAB Sở giao dịch về Hội sở DAB để Hội sở hợp thức cho khoản chi 200 tỷ đồng dẫn đến âm số tiền này.
Vẫn trong ngày 17/1, Công ty Bắc Nam 79 chuyển 600 tỷ đồng (gồm ông Vũ nộp khống 200 tỷ đồng và 400 tỷ đồng vay DAB) vào tài khoản của DAB để mua 60 triệu cổ phần DAB.
Do việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng không thành công, ngày 8/4/2014, ông Bình chỉ đạo DAB chuyển trả 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi vào tài khoản của Cty Bắc Nam 79 tại DAB CN Đà Nẵng. Như vậy, ông Vũ chỉ nộp 400 tỷ đồng nhưng nhận 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi, tức đã chiếm đoạt của DAB 200 tỷ đồng tiền gốc do ký chứng từ nộp khống mà có và hơn 3 tỷ đồng tiền lãi của số tiền khống này.
Ngày 17/1/2018, Viện khoa học hình sự Bộ Công an có kết luận chữ ký và chữ viết “Phan Văn Anh Vũ” tại chứng từ số 10000112 ngày 17/1/2014 (mẫu giám định) và chữ viết “Phan Văn Anh Vũ” tại mẫu so sánh do cùng một người ký và viết ra.
Sau khi nhận về hơn 609 tỷ đồng, Công ty Bắc Nam 79 mua 50 triệu cổ phần DAB của 4 cổ đông hiện hữu (cổ đông đứng tên sở hữu hộ ông Bình) với giá 500 tỷ đồng. Công ty này và ông Vũ đã thanh toán cho 4 cổ đông tổng số 500 tỷ đồng tiền mua 50 triệu cổ phần DAB. Trong đó có 400 tỷ đồng của ông Vũ có được từ nguồn vay DAB, 100 tỷ đồng có nguồn gốc từ 200 tỷ đồng thu khống nêu trên. Còn lại 100 tỷ đồng có nguồn gốc từ 200 tỷ đồng thu khống, ông Vũ sử dụng cho hoạt động của Công ty Bắc Nam 79.
Ngày 8/4/2014, CTCP Sơn Trà Điện Ngọc bán hơn 16,2 triệu cổ phần với giá hơn 162 tỷ đồng. Ngày 8/4 và 8/9/2014, Công ty Ninh Thịnh bán hơn 15,2 triệu cổ phần DAB với giá hơn 152 tỷ đồng. Ngày 8/9/2014, Công ty Vốn An Bình bán hơn 13,4 triệu cổ phần DAB với giá hơn 134 tỷ đồng. Ngày 8/9/2014, Phạm Văn Tân bán 5 triệu cổ phần giá 50 tỷ đồng.
Ngày 11/8/2015, ông Trần Phương Bình chỉ đạo Công ty Vốn An Bình bán cho cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ hơn 13,6 triệu cổ phần DAB với giá hơn 136 tỷ đồng. Ông Vũ đã thanh toán 46 tỷ đồng, đến nay còn nợ hơn 90 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Anh Vũ được xác định đồng phạm với Trần Phương Bình chiếm đoạt của DAB 203 tỉ đồng và phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này. Ngoài ra, Phan Văn Anh Vũ phải chịu trách nhiệm nộp lại số tiền 13.400.000 USD và 90,5 tỉ đồng mua cổ phần DAB để khắc phục hậu quả vụ án.