Vũ “nhôm” chưa khắc phục hậu quả trên 203 tỷ đồng
Theo KLĐT bổ sung, về yêu cầu xác minh, kê biên tài sản để đảm bảo khắc phục hậu quả theo đề nghị của bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975, ngụ TP Đà Nẵng) về việc xin gặp gia đình để trao đổi thống nhất nộp khắc phục hậu quả 200 tỷ đồng và trên 3,1 tỷ đồng tiền lãi liên quan đến việc mua cổ phần DABank. Ngày 16/8/2018, C44 Bộ Công an cho bị can Vũ gặp vợ là Nguyễn Thị Thu Hiền và anh trai là Phan Văn Anh Tuấn để trao đổi và thống nhất về việc Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 nộp tiền mặt để khắc phục hậu quả cho Vũ. Tuy nhiên, đến nay Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 vẫn chưa nộp khắc phục hậu quả số tiền nêu trên.
Bị can Phan Văn Anh Vũ (bên phải) và Bị can Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT DABank. |
Qua quá trình điều tra vụ án, C44 Bộ Công an đã xác minh nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của bị can phan văn Anh Vũ tại căn hộ P1202 The Lancaster ở 22 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh tại Văn phòng đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh chi nhánh quận 1. Kết quả xác minh, xác định chủ sở hữu căn hộ nêu trên là ông Đ.N.V và bà V.T.T (không có quan hệ họ hàng với Phan Văn Anh Vũ) do vậy chưa đủ căn cứ để kê biên tài sản này. Ngoài ra bị can Phan Văn Anh Vũ còn liên quan đến 7 bất động sản (BĐS) tại các địa chỉ: 319 Lê Duẩn, 16 Bạch Đằng, nhà đất tại khu công viên An Đồn (trường mẫu giáo ABC), số 2/9 Phan Thành Tài, khu đất 1,5 ha trên đường Trường Sa (cả 5 bất động sản nêu trên đều ở TP Đà Nẵng); số 8 Nguyễn Trung Trực và 15 Thi Sách, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Kết quả xác minh xác định 7 BĐS nêu trên là vật chứng của vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do Văn phòng C44 Bộ Công an thụ lý điều tra theo quyết định khởi tố vụ án số 7/QĐ-C44-P4 ngày 7/2/2018 đã được Văn phòng C44 Bộ Công an kê biên, phong tỏa.
Không thay đổi tội danh đối với 16 bị can
Đối với yêu cầu điều tra bổ sung để thay đổi tội danh từ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 sang tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo điều 355 BLHS năm 2015 đối với 16 bị can (Nguyễn Đức Vinh, Đỗ Thanh Hùng, Nguyễn Văn Thuận, Trần Thế Hùng, Nguyễn Đỗ Thành Trung, Quách Thành Sang, Nguyễn Hồ Bảo Quốc, Võ Hoàng Đông, Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Thị Ngọc Vân, Nguyễn Đức Tài, Vũ Thị Thanh Hoa, Nguyễn Chí Công, Tranh Tài Tâm, Trương Hoàng Khải và Trương Quốc Tân), vai trò đồng phạm giúp sức cho bị can Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT DABank), Nguyễn Thị Kim Xuyến về 9 nhóm hành vi chiếm đoạt.
Các nhóm hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt chiếm đoạt tài sản, gồm: Chiếm đoạt trên 1.160 tỷ đồng trong việc bị can Trần Phương Bình mua 74.279.056 cổ phần DABank từ năm 2007 đến năm 2014; chiếm đoạt trên 497 tỷ đồng trong việc mua 13,9 triệu USD cho bị can Bình và chi 200 tỷ cho Phan Văn Anh Vũ; chiếm đoạt trên 213,7 tỷ đồng trong việc bị can Bình trả trên 194 tỷ đồng tiền gốc và trên 19,5 tỷ đồng tiền lãi cho các khoản vay của Bùi Văn Tiến, Trương Quốc Tân, Lê Nguyên Đăng Hằng và Nguyễn Châu; chiếm đoạt trên 77 tỷ đồng trong việc bị can Bình trả 69,5 tỷ đồng tiền gốc và trên 7,5 tỷ đồng tiền lãi cho khoản vay 85 tỷ đồng của Phạm Văn Tân; chiếm đoạt 1 tỷ trong việc bị can Bình trả nợ cho Trần Hữu Anh; chiếm đoạt 7 tỷ trong việc bị can Bình chuyển tiền cho Cao Văn Thọ để sử dụng cá nhân; chiếm đoạt 5 tỷ đồng trong việc bị can Bình trả nợ cho khoản vay của Nguyễn Huy Trường Hồng; chiếm đoạt trên 12,6 tỷ đồng trong việc bị can Bình trả lãi cho 6 khoản vay của Dương Thị Hồng Hà; chiếm đoạt 30 lượng vàng trong việc xuất quỹ chi cho Trần Phương Bình sử dụng cá nhân.
Qua quá trình điều tra bổ sung, C44 Bộ Công an nhận thấy hồ sơ vụ án, bản KLĐT vụ án số 28/C46-P10 ngày 2/4/2018 và bản KLĐT bổ sung số 67/C46-P10 ngày 16/6/2018 của C44 đã tập trung điều tra làm rõ vai trò, trách nhiệm của 16 bị can nêu trên. Tài liệu điều tra xác định 16 bị can không được bàn bạc, không được hưởng lợi ích vật chất trong việc Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến chiếm đoạt tiền của DABank, chỉ đơn thuần làm theo chỉ đạo của Bình, Xuyến. Do vậy C44 Bộ Công an thấy không đủ căn cứ để xác định 16 bị can nêu trên đồng phạm với Bình và Xuyến về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo điều 355 BLHS năm 2015.
Bị can Trần Phương Bình chiếm đoạt trên 2.000 tỷ đồng
Trong vụ án này, C44 Bộ Công an xác định trong khoảng thời gian từ năm 2006 – 2015, bị can Trần Phương Bình lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo và thiếu kiểm tra giám sát của các bộ phận chuyên môn. Trần Phương Bình đã chỉ đạo Phòng ngân quỹ Hội sở và các chi nhánh, sở giao dịch lập chứng từ thu chi sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DABank trên 3.608 tỷ đồng, gồm: trên 1.160 tỷ đồng mua 74.279.056 cổ phần DABank; trên 437 tỷ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài; trên 24,074 triệu USD và 15.779,69 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng trái phép; trên 497 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD và Phan Văn Anh Vũ mua cổ phần DABank; trên 399 tỷ và 1.930 lượng vàng chi sai nguyên tắc 12 khoản. Trong đó lạm dụng chức vụ chiếm đoạt trên 2.047 tỷ đồng (trong số này Nguyễn Thị Kim Xuyến chiếm đoạt 40 tỷ đồng), và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại trên 1.561 tỷ đồng.
Nữ doanh nhân quyền lực vợ ông Trần Phương Bình là ai?
(Tieudung.vn) - Bà Cao Thị Ngọc Dung - vợ ông Trần Phương Bình - là người đã đưa PNJ trở thành một trong những tên tuổi vàng - trang sức lớn nhất Việt Nam. |