Bài tập đọc trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2 có sai sót - Ảnh: M.K. |
Cụ thể là bài tập đọc truyện "Kho báu (theo ngụ ngôn Ê-dốp, Nguyệt Tú dịch) của tuần thứ 28, trang 83, mở đầu có câu: “Ngày xưa có hai vợ chồng nông dân kia quanh năm hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu...”. Với câu văn trên, phụ huynh cho rằng, “Một nắng hai sương”, “cày sâu cuốc bẫm” vốn là hai cụm thành ngữ rất quen thuộc với mọi người, nói về sự nhọc nhằn, vất vả, cần cù của người nông dân thời xưa. Hai thành ngữ này lại bị đảo ngược, nghe không thuận, lại dễ làm trẻ tiếp nhận không đúng.
Cũng trong truyện "Kho báu", cùng đoạn văn, câu tiếp theo được viết: “Hai ông bà thường ra đồng từ lúc gà gáy sáng và trở về nhà khi đã lặn mặt trời”. Theo phụ huynh, đây lại là một lỗi sai khó chấp nhận và cho rằng, không nên có trong sách giáo khoa cho học sinh lớp 2. “Khi trẻ chỉ bắt đầu học bài học về ngữ pháp, sách giáo khoa phải giúp các cháu nói đúng, viết đúng, giáo dục ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” – chị Kim Oanh một phụ huynh trường tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa) nêu quan điểm.
Trước những phản ánh trên của phụ huynh, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng cho biết, đúng là “Một nắng hai sương”, “Cày sâu cuốc bẫm” vốn là hai thành ngữ quen thuộc với mọi người khi nói về sự nhọc nhằn, vất vả, cần cù của người nông dân. Tuy nhiên, đây không phải là những cấu trúc từ ngữ có tính chất đông cứng buộc người sử dụng phải dùng đúng trật tự các từ đó trong mọi tình huống. Lý do là vì đây là các thành ngữ thuộc văn học dân gian, nên hoàn toàn có thể có dị bản. “Khi vận dụng các cụm từ này vào lời nói hay bài viết, người sử dụng hoàn toàn có thể vận dụng một cách sáng tạo, đảo vị trí của từ miễn là không làm thay đổi nghĩa của cụm từ đó. Còn câu văn “Hai ông bà thường ra đồng từ lúc gà gáy sáng và trở về nhà khi đã lặn mặt trời” sử dụng cách diễn đạt trở về nhà khi đã lặn mặt trời cũng là một điều hết sức bình thường. Người viết hoàn toàn có thể đảo từ trong trường hợp này để tạo nên hiệu quả về âm điệu cho câu văn mà hoàn toàn vẫn đảm bảo về ý nghĩa” – ông Tùng nhấn mạnh.