Sau làn sóng tranh cãi về công trình cải tiến chữ quốc ngữ hoàn thiện cả phần phụ âm lẫn nguyên âm của PGS-TS Bùi Hiền vừa lắng xuống, thì Ông tiếp tục thông báo về việc toàn bộ công trình của ông đã được cấp giấy đăng ký bản quyền tác giả. Và ông đã thử nghiệm thực tế công trình của mình với tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
PGS Bùi Hiền chia sẻ Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm kinh điển của nền văn học Việt Nam, ông cũng như rất nhiều thế hệ người dân đều tâm đắc và yêu thích tác phẩm này.
Ông đã phải mất 10 ngày làm việc liên tục, mỗi ngày không dưới 10 tiếng để chuyển thể 3.254 câu thơ lục bát của Truyện Kiều sang chữ cải tiến.
Trích đoạn Truyện Kiều bằng ngôn ngữ cũ và ngôn ngữ cải tiến của PGS Bùi Hiền
“Truyện Kiều ban đầu được viết bằng chữ nôm, sau đó mới chuyển sang chữ quốc ngữ như hiện nay. Tôi muốn chuyển sang chữ cải tiến, các giá trị về nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm vẫn giữ nguyên chứ không thay đổi”, PGS Bùi Hiền nói.
“Đại thi hào Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm, nhờ đó mà phổ biến chữ Nôm ra toàn thể nhân dân thời đó. Sau này, khi chữ quốc ngữ ra đời, để giữ gìn di sản văn học, các nhà nghiên cứu đã dịch sang chữ mới. Nay tôi muốn chuyển Truyện Kiều sang chữ cải tiến. Tôi nghĩ đây là việc nên làm để những ai muốn nghiên cứu có thể tham khảo” – PGS –TS Bùi Hiền chia sẻ.
Trước câu hỏi về việc chọn tác phẩm “Truyện Kiều” để chuyển thể sang chữ cải tiến có thể làm phản ứng của dư luận gay gắt hơn, vì người dân đã quá quen đọc những câu thơ lục bát trong tác phẩm theo chữ cũ, PGS Bùi Hiền nói:
“Từ khi công bố toàn bộ nghiên cứu cải tiến chữ viết đến nay, tôi đã lường trước được phản ứng của dư luận. Tôi biết sẽ có những người không đồng quan điểm với tôi, nhưng đó là việc của họ. Còn việc nghiên cứu là của tôi. Tôi cũng không ép mọi người phải dùng chữ cải tiến của tôi. Tôi chỉ làm để thỏa mãn đam mê và sở thích cá nhân thôi”.
Có thể thấy, thực tế nếu không có phần chữ quốc ngữ mà chúng ta đang sử dụng, thì có thể với ngay cả những người đã thuộc Truyện Kiều, sẽ vẫn có sự lạ lẫm khi phát âm. Tuy nhiên, PGS Bùi Hiền khẳng định: “Chỉ cần 10-15 phút học thuộc các chữ cái mới của 10 âm vị sau là đọc được Truyện Kiều mới: ch, tr = Cc /chờ/ ; đ = Dd /đờ/; ph = Ff /phờ/ ; c,k,q = Kk /cờ/ ; nh = NH nh /nhờ/(tạm thời); th = Qq /thờ/ ; s, x = Ss /sờ/ ; ng, ngh = Ww /ngờ/ ; kh =Xx /khờ/ ; d, gi, r = Zz /dờ/. Khi thuộc rồi, các bạn sẽ thấy đọc rất bình thường và chữ mới chỉ là quy ước mới, hoàn toàn không làm mất đi giá trị nghệ thuật của tác phẩm này”.
PGS-TS Bùi Hiền cho biết, không muốn phổ biến Truyện Kiều theo chữ cải tiến, mà chỉ coi đây là cách luyện tập, chứng tỏ việc chuyển thể sang chữ viết mới không hề gặp khó khăn nào cả. Hiện ông đang chỉnh sửa lại bản thảo dài 99 trang giấy. Vì trong quá trình gõ bàn phím còn một số sai sót. Sau khi chỉnh sửa xong ông sẽ in ra một số bản để gửi tặng bạn bè, người thân.