Trước đề án cải tiến tiếng Việt của tác giả Bùi Hiền, nhà Sử học Lê Văn Lan nêu ý kiến: “Cá nhân tôi cho rằng đây là đề xuất không khả thi. Thử hỏi nếu thực hiện thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chả lẽ 90 triệu người dân chúng ta phải đi học lại quy tắc sử dụng tiếng Việt? Chúng ta nên dừng bàn về chuyện này ở đây, bởi hiện tại chữ tiếng Việt là rất hợp lý”.
Nhà Sử học Lê Văn Lan
Cũng bàn về vấn đề trên, GS Nguyễn Lân Dũng thẳng thắn cho rằng, khó có thể thực hiện một đề án có quá nhiều hệ lụy như đề án cải cách tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền. "Đây là một công trình khoa học nên phải có căn cứ cơ sở thì người thực hiện mới có thể nghiên cứu. Chúng ta không nên ném đá nhưng cũng phải thẳng thắn khẳng định là không thể áp dụng được. Ngôn ngữ nào cũng có những điều chưa hợp lý. Nhưng trong quá trình gìn giữ, người ta phải bảo toàn cả những mặt trái và mặt phải.
Giả sử việc cải tiến tiếng Việt của ông Bùi Hiền thành hiện thực thì cả một hệ thống Hiến pháp, sách giáo khoa, tài liệu công dân ở các cơ quan chức năng đều phải được tiến hành in lại. Kể cả đồng tiền quốc gia cũng phải được in và phát hành lại. Bản thân mỗi công dân Việt Nam cũng phải học lại từ đầu để nắm cấu trúc của chữ quốc ngữ mới. Chỉ phân tích đơn giản thế thôi đã thấy đề án này phi thực tế”, GS Lân Dũng phân tích.
Ngoài ra PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM, khẳng định không cần thiết có thêm cải cách nào về tiếng Việt, đặc biệt là chữ viết. Ngôn ngữ nào cũng vậy, kể cả tiếng Anh được thế giới sử dụng cũng có những bất hợp lý về mặt chữ viết nhưng nó vẫn tồn tại bao lâu nay.
“Ngôn ngữ có sự gắn bó với bề dày lịch sử, văn hóa, kinh tế và nhiều vấn đề khác. Ngôn ngữ chính là thói quen, tập quán của người sử dụng nó. Do vậy nếu đặt ra việc thay đổi chữ viết sẽ tác động nhiều mặt”, PTS-TS Đặng Ngọc Lệ chia sẻ.