Trước đó, đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy - học phổ thông đã gây xôn xao dư luận thì mới đây, PGS.TS Bùi Hiền tiếp tục công bố cải tiến chữ quốc ngữ phần II. Trong phần II này, tác giả đã tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của tiếng Việt (Hà Nội) để từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị.
PGS.TS Bùi Hiền khẳng định, việc ông công bố phần còn lại (nguyên âm) sớm hơn so với dự kiến vào tháng 3/2018 không phải vì cư dân mạng "ném đá" sau khi công bố phần cải tiến phụ âm. Mà đơn giản để công trình được trọn vẹn hoàn chỉnh.
Về nguyên tắc tổ hợp các nguyên âm trong các âm tiết tiếng Việt. Hiện tại, trong hệ thống nguyên âm tiếng Việt đã ghi nhận và thường xuyên dùng theo các quy chuẩn chính tả bao gồm 16 nguyên âm thể hiện bằng những chữ cái trong các vị trí điển hình độc lập hoặc đứng trong tổ hợp âm tiết có phụ âm đi cùng như sau:
Sau khi xác định xong hai hệ thống âm vị nguyên âm và phụ âm mới, cần ghép chúng lại thành bảng âm vị cùng chữ cái biểu đạt thống nhất và hoàn chỉnh của tiếng Hà Nội. Toàn bảng chữ cái (âm vị) Tiếng Việt (Thủ đô Hà Nội) gồm 33 đơn vị của PGS Bùi Hiền.
Toàn bảng chữ cái (âm vị) Tiếng Việt (thủ đô Hà Nội) gồm 33 đơn vị của PGS Bùi Hiền.
Trong bảng chữ cái đọc theo kiểu mới vẫn giữ nguyên trật tự a - b - c. Những chữ cái in đậm trong bảng trên để lưu ý rằng, đó là những chữ đã mang giá trị âm vị mới (đọc kiểu cải tiến) thay cho những chữ cái đọc theo bảng chữ quốc ngữ cũ. Một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ).
PGS.TS Bùi Hiền cho biết: Công trình nghiên cứu "cải tiến chữ quốc ngữ" chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm tiếng Thủ đô Hà nội, chứ không hề tác động vào hệ thống âm vị làm cho tiếng nói khác đi dẫn tới ý nghĩa lời nói cũng khác đi. Về chữ viết chúng tôi cũng giữ nguyên dạng hệ thống chữ cái La tinh, và chỉ tạo thêm 1 chữ cái mới để chỉ âm vị phụ âm “nhờ” mà trong bảng chữ La tinh không có.
Việc cải tiến chữ quốc ngữ lần này cũng chính là để hướng tới tiếp tục nâng cao hiệu quả của bộ chữ cái La tinh đã trở thành chữ quốc ngữ của Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư được nhanh chóng và thuận lợi hơn. Đặc biệt tạo điều kiện cho ngành thông tin điện tử, các máy tính, máy điện thoại thông minh tiếp tục cải tiến và tiết kiệm được đáng kể nguồn tài nguyên tin học.
Có người cho rằng chữ cải tiến làm mất cả vẻ đẹp, mất tính thẩm mĩ của chữ quốc ngữ. Đúng là thoạt nhìn vào một đoạn văn bản bằng cách viết cải tiến những con chữ La tinh với bố cục ngắn gọn hơn (không còn những chữ có 2-3 phụ âm đầu và cuối như trước nữa) nên thấy không đẹp và tức mắt.
Quả thật vậy, nhưng đó chỉ là thói quen tạo nên các kiểu thẩm mĩ mà thôi. Song thói quen thẩm mĩ cũng thường thay đổi theo hướng thuận lợi và có lợi ích thiết thực: các nhà nho, sinh đồ đã quen nhìn và viết chữ vuông theo từng cột từ trên xuống dưới và từ phải sang trái thì ngay từ ban đầu đâu có thích kiểu chữ viết dài từ trái sang phải, theo từng dòng từ trên xuống dưới. Nhưng sau khi nhận ra cái lợi và cái đẹp của lối viết chữ quốc ngữ, nên họ cũng đã từ bỏ cách viết chữ nho theo cột, mà viết theo dòng như chữ quốc ngữ đó thôi. Với thời gian thì thói quen mới sẽ được hình thành và sẽ lại có cách tạo dáng thẩm mĩ mới cho lối viết cải tiến ngắn gọn này".
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng ngày 1/12/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Chính phủ và Bộ chưa có chủ trương cải tiến chữ Quốc ngữ.