Sáng 17/11, bác sĩ Nguyễn Hữu Hải, Phó trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết người nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện vào năm 1990. Lúc này, nữ bệnh nhân 30 tuổi.
Bà vô tình phát hiện bệnh khi làm các thủ tục xuất cảnh cùng người yêu - một nghệ sĩ múa ở châu Âu. Sau đó, bệnh nhân được theo dõi định kỳ. Đến tháng 1/1997, người phụ nữ này bắt đầu uống thuốc điều trị kháng virus (ARV).
Thời điểm phát hiện bệnh, người phụ nữ 30 tuổi. Sau hàng chục năm, sức khỏe của bà vẫn ổn định.
Theo bác sĩ Hải, hiện nữ bệnh nhân 60 tuổi, gần 30 năm được phát hiện nhiễm HIV, bà vẫn sống khoẻ mạnh sau khi dùng thuốc kháng virus. Điều đáng mừng, các xét nghiệm máu của bà cho thấy hàm lượng của virus rất thấp, dưới ngưỡng phát triển. Nguyên nhân là do bà dùng thuốc đều đặn với tinh thần thoải mái nên đã kìm chế được sự phát triển của virus HIV. Bà được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên, Việt Nam trải qua 30 năm ứng phó với căn bệnh này. Ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - cho hay Việt Nam là một trong 4 quốc gia cùng Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo ông Cảnh, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm gồm số người mới nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang AIDS và các ca tử vong liên quan HIV/AIDS. Chúng ta kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và 200.000 trường hợp không bị tử vong do AIDS.
Với người nhiễm HIV, nếu được điều trị sớm (chỉ số CD4 trên 350 tế bào/uL), bệnh nhân ở tuổi 20 có thể sống thêm 50-60 năm. Tuổi thọ của người nhiễm gần như người bình thường khi được điều trị sớm, tuân thủ theo phác đồ.
Việc uống thuốc sớm, liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị cũng giúp người nhiễm HIV giảm nguy cơ tử vong vì các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Ông Cảnh cho biết Việt Nam hiện có khoảng 230.000 người nhiễm HIV, 153.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV. Người sử dụng thuốc này hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ sẽ không có nguy cơ lây truyền bệnh qua đường tình dục cho bạn tình.
Việc uống thuốc sớm, liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị cũng giúp người nhiễm HIV giảm nguy cơ tử vong vì các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Mục tiêu của nước ta là chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Cụ thể, số ca nhiễm mới được phát hiện dưới 1.000/năm và tỷ lệ tử vong liên quan bệnh này dưới 1/100.000 dân, HIV/AIDS không còn là mối ngại về sức khỏe của cộng đồng.
Dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục giảm nhưng hình thái lây nhiễm có sự thay đổi, xuất hiện các nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm mới. MSM (quan hệ đồng giới nam) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.
Mắc HIV không phải đường cùng Cũng theo TS Hoàng Đình Cảnh, hiện nay, nhiễm HIV không còn là “bản án tử hình” như một số người vẫn nghĩ. Người nhiễm HIV/AIDS nếu được phát hiện sớm, chăm sóc sức khỏe và điều trị bằng thuốc kháng virus kịp thời vẫn có thể sống và cống hiến như những người khoẻ mạnh. HIV/AIDS vẫn được xác định là một trong những bệnh dịch nguy hiểm nhất. Tuy nhiên với sự phát triển của y học cùng sự ra đời của thuốc ARV (thuốc kháng HIV), căn bệnh thế kỷ này không còn đáng sợ. Điều trị bằng ARV sớm có thể làm giảm tỷ lệ bệnh tật và giảm tử vong ở người nhiễm HIV, giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm nguy cơ chuyển sang giai đoạn AIDS. Người điều trị bằng ARV liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ có thể phục hồi sức khoẻ, phục hồi khả năng lao động và làm việc tự nuôi sống bản thân, đóng góp cho kinh tế quốc gia. Thuốc ARV còn làm giảm sự lây lan của dịch: giảm tới 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%, góp phần tạo ra một thế hệ mạnh khoẻ, không còn HIV/AIDS. |