Anh Tùng bức xúc việc gặp rắc rối khi tự cứu mình trước nguy cơ bội nhiễm do tiếp xúc với nạn nhân TNGT bị HIV. |
Lo lắng vì tiếp xúc người nhiễm HIV
Trưa 30/6, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn 11 X. Đăk Hrinh (Đăk Hà, Kon Tum) TNGT đã xảy ra vụ TNGT giữa hai xe khách 16 chỗ tông trực diện khiến 4 người tử vong và làm 10 người khác bị thương. Vụ TNGT xảy ra được ít phút thì người dân tại khu vực đã nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Riêng gia đình và cá nhân anh Lê Văn Tùng (28 tuổi, trú tại thôn 11, X. Đăk Hrinh, H. Đăk Hà, T. Kon Tum) đã trực tiếp sử dụng chiếc xe ô tô tải của mình nhanh chóng đưa 8 nạn nhân lên xe để đưa đến Trung tâm y tế huyện Đăk Hà để cấp cứu.
Tuy nhiên, khi đưa được các nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất và trở lại hiện trường thì anh Tùng nhận được thông tin, một nạn nhân tử vong trong vụ TNGT mà anh cứu bị nhiễm HIV. Thông tin này đã khiến anh Tùng rất lo lắng. “Tôi là người trực tiếp chuyển người phụ nữ tên M. (nạn nhân tử vong tại chỗ) từ trên xe của CSGT xuống khu vực tiếp nhận bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện.
Lúc đó, tôi dùng hai tay bế tử thi này xuống băng ca. Máu từ người nạn nhân này chảy ướt cả cánh tay, ướt đẫm cả áo và trúng vào vết thương mới bị xước cách đó khoảng 40’ trước. Đến khi về nhà, một công an điện thoại báo trong túi áo của nạn nhân này có giấy xét nghiệm HIV nên yêu cầu những người tiếp xúc với thi thể người phụ nữ này nhanh chóng tắm sạch sẽ và đến Trung tâm y tế để tư vấn việc sử dụng thuốc phơi nhiễm HIV”.
Lập tức, anh Tùng cùng 2 người nữa chạy xe xuống TP. Kon Tum đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS. “Khoảng hơn 17h, tôi đã liên hệ với một người bảo vệ của trung tâm này và dẫn 3 người chúng tôi đến nhà của bác sĩ Nguyễn Văn Đôn (công tác tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, tỉnh Kon Tum) để được hướng dẫn”.
“Tại quán cà phê trước nhà bác sĩ Đôn, bác sĩ này cho biết trường hợp được miễn phí đối với người đang thực thi công vụ, các y bác sĩ... còn với trường hợp của tôi thì không được miễn phí. Dân thường muốn phơi nhiễm thì phải điều trị bên ngoài và phải mua thuốc. Bác sĩ này cũng tư vấn sử dụng loại thuốc nội (trong nước) với giá là 1,2 triệu đồng và loại nhập ngoại là 5 triệu đồng.
Thấy vậy, tôi và anh Đức (người tiếp xúc đưa nạn nhân nhiễm HIV) đồng ý mua 2 hộp với giá 2,4 triệu đồng). Lúc này, anh bảo vệ và bác sĩ Đôn lấy xe máy chạy đi lấy thuốc. Tuy nhiên, quá bức xúc vì trước đó cơ quan công an thông báo sẽ điều trị miễn phí mà lại mất tiền nên tôi và nhóm người trên đã bỏ về nhà”.
“Tối 30/6, tôi viết những bức xúc kèm theo những video, hình ảnh lúc cứu các nạn nhân lên Facebook (chỉ để bạn bè xem được) kể về việc cứu người nhưng không được phơi nhiễm HIV miễn phí. Cũng tối đó, một công an xã gọi điện cho tôi nói là sáng mai tiếp tục xuống Trung tâm y tế của huyện Đăk Hà để được tư vấn và điều trị miễn phí. Tuy nhiên, sáng 1/7, tôi cùng một số người đến gặp bác sĩ Đôn. Bác sĩ này cũng cho biết là muốn phơi nhiễm HIV thì phải bỏ tiền mua thuốc. Điều này không đúng với việc công an xã Đăk Hrinh thông báo trước đó”.
Cũng theo anh Tùng, tại Trung tâm y tế huyện, tôi và anh Đức đồng ý mua 2 hộp thuốc trị giá 2,4 triệu đồng nhưng bác sĩ Đôn lúc cho biết giảm giá 300 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi giao cho chúng tôi thì chỉ còn một hộp 18 viên thuốc. Bác sĩ này hẹn đến thứ 2 (ngày 3/7) để nhận thuốc thêm. Chúng tôi lúc đó đưa cho bác sĩ Đôn 700 nghìn đồng để đặt cọc trước.
“Quá bức xúc nên tôi đã để bài viết trên facebook dưới dạng công khai để mọi người đều đọc được. Việc viết facebook này đã có tới cả triệu người xem, hàng trăm người chia sẻ và bình luận với thái độ rất bức xúc...”, anh Tùng nói.
Đến 12h trưa ngày 1/7, công an xã Đăk Hrinh đã đến nhà tôi cùng lập danh sách 5 người nữa và gọi xe đưa đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS để được cấp thuốc miễn phí. Còn 2 viên thuốc đã uống, bác sĩ này trừ 80 nghìn đồng và trả lại tiền tôi đã đưa trước đó.
Liên quan đến việc anh Tùng, người giúp đỡ nạn nhân và yêu cầu được phơi nhiễm HIV, bác sĩ Đôn thừa nhận có cuộc gặp gỡ với 3 người vào chiều 30/6. Tại đây, sau khi tư vấn sử dụng thuốc, tôi có nói là thuốc này chỉ điều trị miễn phí đối với những người được quy định theo Quyết định số 120/2008/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: “Về việc quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được các tổ chức xác nhận điều trị ro tai nạn nghề nghiệp”...
“Lúc tiếp xúc, tôi giải thích trường hợp này không cấp phát thuốc miễn phí, tôi cũng không có quyền cho thuốc miễn phí. Tôi cũng nói, một liều điều trị từ 4,5-5 triệu đồng thuốc ngoại nhập, nay thuốc đã giảm xuống còn 1,2 triệu đồng do sản xuất trong nước. Tôi cũng khuyên anh ấy sớm dùng thuốc, càng nhanh càng tốt”, bác sĩ này nói và cho biết thêm "Sáng 1/7, tôi đưa cho anh Tùng 18 viên thuốc là do tôi mượn của bệnh nhân. Tôi đã trả lại 700 nghìn đồng do anh Tùng đặt cọc và lấy của anh này tổng cộng 80 nghìn đồng (2 viên đã sử dụng) sau khi anh này được phơi nhiễm miễn phí".
"Liên quan đến quy trình cấp thuốc phơi nhiễm miễn phí, hiện Trung tâm chúng tôi cũng chưa nhận đầy đủ các văn bản đề nghị phơi nhiễm của các cơ quan ở huyện Đăk Hà", bác sĩ Đôn nói và cho biết tôi hoàn toàn muốn giúp anh Tùng chứ không có tư lợi gì cả.
24 người phơi nhiễm HIV
Chiều 2/7, liên quan đến thông tin cũng như dư luận bức xúc, bác sĩ Nguyễn Văn Đôn, Trưởng phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị này đã cấp phát thuốc điều trị phơi nhiễm HIV cho 24 người. Cả 24 người này đều trực tiếp tiếp xúc với nạn nhân bị nhiễm HIV trong vụ TNGT hôm 30/6 trên đường Hồ Chí Minh qua huyện Đắk Hà.
Theo đó, ngày 1/7, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tiến hành xét nghiệm và cấp thuốc điều trị phơi nhiễm cho 17 cán bộ Y tế công tác tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà và 6 người dân. Trong sáng nay, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cũng đã cho thuốc thêm một người nữa (chưa rõ là ai)", bác sĩ Đôn nói.
Bác sĩ Đôn cho biết, “Nạn nhân Trần Thị M. (SN 1966, H. Ngọc Hồi, T. Kon Tum, nạn nhân chết tại chỗ) là người đang điều trị bệnh HIV do Trung tâm quản lý và theo dõi. Mặc dù nhiều người tiếp xúc trực tiếp với máu cũng như dịch thể từ bà M., tuy nhiên, theo đánh giá nguy cơ lây nhiễm rất thấp. Bởi vì, bà này đang được điều trị theo liệu pháp điều trị kháng retrovirus (gọi tắt là điều trị ARV)”, bác sĩ Đôn khẳng định.
Cũng theo Bác sĩ Đôn, việc xét nghiệm và cấp phát thuốc phơi nhiễm HIV đã được lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum chỉ đạo thực hiện miễn phí đối với những người trong đợt phát thuốc phơi nhiễm này. Theo đó, mỗi người được phát thuốc theo phác đồ điều trị và uống thuốc trong 30 ngày.
Trước đó, khoảng 12h45 ngày 30/6/2017, tại Km 1522 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thôn 11, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) xảy ra vụ TNGT giữa xe ô tô khách BKS 82B-002.45 (nhà xe Vạn Thành) do Phan Anh Tài (SN 1988, thường trú Phường 22 – Q. Bình Thạnh – TP Hồ Chí Minh) điều khiển chạy hướng Đà Nẵng đi Kon Tum với xe ô tô BKS 82B-002.23 (nhà xe Mạnh Tiến) do Đỗ Trọng Tuấn (SN 1987, trú tại Phường Quang Trung, TP. Kon Tum) điều khiển lưu thông hướng ngược lại.
Vụ TNGT đã khiến 4 người tử vong và khiến 10 người khác bị thương.