Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y Tế TP Hồ Chí Minh đưa ra trong buổi Hội thảo “Đánh giá công tác Khám chữa bệnh HIV/AIDS qua Bảo hiểm Y tế và Chuyển gửi điều trị tại TP. Hồ Chí Minh” vào ngày 30/3.
Tại buổi hội thảo, ông Hưng cho biết, hiện tổng số dân TP Hồ Chí Minh là khoảng 13 triệu người (bao gồm cả khách than quan), trong đó thì số người nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý và điều trị là 30.000 người. Mặc dù Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác phòng chống AIDS, xây dựng thành công mạng lưới chống AIDS từ thành phố đến các quận, huyện. Đồng thời, có sự phối hợp, hỗ trợ giữa Việt Nam và nước ngoài như thuốc chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ từ nước ngoài để triển khai chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn tài trợ không còn nhiều, chính vì vậy việc khám chữa bệnh cho bênh nhân AIDS đặt ra nhiều vấn đề mới.
Đứng trước những khó khăn, thách thức đó đòi hỏi phải cần có biện pháp để tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Ông Hưng cũng cho biết thêm, vấn đề này thành phố đã lên kế hoạch và lộ trình từ 5/2016 theo đó, cần mở rộng xét nghiệm, tăng cường điều trị từ cấp thành phố đến các tỉnh. Một trong những giải pháp được đưa ra và khả thi khi nguồn tài trợ từ nước ngoài hạn chế, đó chính là khám chữa bệnh thông qua BHYT.
Cần phải tập giải quyết để dảm bảo 100% người bệnh HIV/AIDS đều có BHYT, đó là chỉ đạo của đại diện Sở Y tế TP HCM tại hội thảo ngày 30/3. |
Theo số liệu khảo sát, trong 30.000 người đang được quản lý và điều trị HIV/AIDS thì chỉ có 70% bệnh nhân có BHYT. Bài toán được đặt ra là phải giải quyết 30% còn lại cũng phải có BHYT. Một trong những khó khăn của việc này đó là hầu hết những bệnh nhân HIV/AIDS đều có hoàn cảnh khó khăn và không đủ chi phí để mua BHYT.
Đề xuất hướng giải quyết, ông Hưng cho biết: “Để giải quyết 30% còn lại thì cần phải xem xét sử dụng quỹ dư của BHYT và bên cạnh đó thì cũng có thể xem xét các nguồn khác như là từ nguồn xã hội hóa, viện trợ của các tổ chức quốc tế. Phải giải quyết cho 100% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều có BHYT là vấn đề quan trọng, cần tập trung giải quyết.”
Ông Vũ Đức Long, Đại diện Cục Phòng, Chống HIV/AIDS cũng cho biết: “Cần mở rộng kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân thanh toán qua Qũy BHYT. Theo đó, đối với Trung tâm y tế một chức năng (dự phòng) thì có thể chuyển bệnh nhân sang bệnh viện huyện hoặc giữ tiếp tục điều trị bằng cách chuyển đổi các Trung tâm Y tế dự phòng thành Trung tâm Y tế có phòng khám chuyên khoa HIV hoặc phòng khám đa khoa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh bằng BHYT.”
Ngoài Trung tâm Y tế dự phòng thì đối với Cở sở điều trị HIV tại trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cần thành lập phòng khám chuyên khoa theo Thông tư số 02/2015/TT-BYT ngày 4/3/2015.
Để thực hiện được mục tiêu trên thì các tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ kiện toàn cơ sở điều trị, ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Đồng thời kiện toàn Qũy hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS các tỉnh, thành phố chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho thanh toán đồng chi trả thuốc ARV.
Riêng đối với phòng khám ngoại trú (PKNT), theo đại diện Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, ông Dương Minh Hải cho biết : “Trong mạng lưới 48 PKNT HIV/AIDS thì trong 30 PKNT cũ đã có 4 PKNT tỉnh đã kiện toàn và còn 26 PKNT còn lại đang kiện toàn. Với 18 PKNT mới thì 16 PKNT Bệnh viện Quận, huyện đã kiện toàn và còn 2 PKNT MSM (Phòng khám tư nhân mới G- link va Gallant) đang kiện toàn. Mục tiêu đến 12/2017 tất cả PKNT đều tiếp nhận bệnh nhân HIV và đa số khám chữa bệnh bằng BHYT.”
Cũng theo ông Hải, số bệnh nhân đang điều trị tại các PKNT bệnh viện quận, huyện mới thành lập khá thấp, vì vậy cần có giải pháp hoàn thiện.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông về quyền lợi của bệnhn hân HIV/AIDS khi tham gia BHYT đi đôi với việc sẵn sàng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh qua BHYT.