Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, các tỉnh Đông Nam Bộ đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiệt độ cao nhất 36-38 độ C. Ở những khu vực không có cây xanh bị nhựa đường và bêtông hấp thụ nhiệt phả ngược lại khiến nhiệt độ thực tế có thể lên 40 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ thực tế nóng hơn nhiều so với bản tin dự báo thời tiết, gây cảm giác oi bức, khó chịu cho người dân.
Theo ghi nhận, trưa ngày 27/4, hầu hết người lưu thông trên đường đều phải chống chọi với cái nắng gay gắt bằng nhiều lớp quần áo, khẩu trang dày cộm.
Già trẻ, nam nữ bịt kín như Ninja, túm tụm dưới tán cây, hay một góc tường... là những hình ảnh thường bắt gặp trên đường phố TP Hồ Chí Minh những ngày cuối tháng 4.
Thay vì phải dừng ở vị trí đèn xanh đèn đỏ phía trước, nhiều người ngại nắng đã chọn dừng xe dưới gầm cầu
Nền bêtông hấp thu nhiệt phát ngược trở lại môi trường khiến không khí càng oi bức hơn, việc dừng chờ đèn đỏ trong những ngày này là "cực hình"
Hầu hết người ra đường đều bịt kín để chống cái nóng hừng hực
Nhiệt độ cao khiến sinh hoạt của người dân thay đổi. Ra đường vào buổi trưa là một thử thách với nhiều người. Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định, đây là đợt nắng nóng nhất trong năm tại Nam Bộ do vùng áp thấp nóng phía tây bị nén về phía nam. Tình trạng này không bất thường vì thông thường vào thời điểm này nhiệt độ khu vực vẫn cao. Tuy nhiên, do những ngày qua gió yếu làm thời tiết oi bức hơn. Nắng nóng dự kiến sẽ giảm và kết thúc từ ngày 28/4.
Trước đó, trên trang Weather Online của Anh và AccuWeather Mỹ dự báo chỉ số tia cực tím (UV) tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 4 có lúc lên mức "cực đại" 13. Đây là mức nguy hại, có thể gây bỏng rát, ung thư da.
Người đàn ông tranh thủ ngủ trưa dưới tán cây, chú cho biết dù trời có nắng nóng cỡ nào cũng phải ra đường mưu sinh, tối về đến nhà là người "như cọng bún thiu"
Để "giải nhiệt", một người dân chủ động tránh nóng bằng cách thường xuyên phun xịt nước làm mát mặt đường...
Tại một cửa hàng bán gạo, ông chủ lấy ống nước để xịt khắp mặt đường trước nhà, với hy vọng không khí đỡ ngột ngạt
Chú Lê Thanh Đoàn (52 tuổi) bán dừa nước trên đường Minh Phụng (quận 6, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Chỉ có vì đồng tiền mới phải ngồi giữa cái nắng như thiêu, như đốt thế này thôi. Trời nóng quá phải tìm cái gốc cây nào to, mát mới chịu nổi”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Tấn Vũ, làm nghề thu mua phế liệu, mồ hôi nhễ nhại cho biết: “Mấy hôm nay trời nóng và oi bức quá rất khó chịu, nhưng tôi không đeo được khẩu trang, công việc nặng nhọc cứ đeo là bị khó thở, vì vậy không chỉ tay, chân mà mặt cũng cháy nắng”.
Đối phó với nắng nóng, chị Lê Thu Trang (ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) uống nước đá liên tục và thường xuyên mở máy điều hòa không khí nên có biểu hiện khô rát cổ họng.
Thời điểm nắng nóng, những loại cây xanh tạo cảnh quan được tưới mát với tần suất dày hơn để tránh bị mất nước, héo úa
Nhiệt độ tăng lên gần 40 độ C khiến người dân mệt mỏi, bất cứ tán cây nào cũng trở thành chỗ trú chân của người dân
Nắng nóng còn khiến việc mưu sinh của người dân lao động gặp khó khăn
Buổi trưa nắng nóng "đỉnh điểm", một bảo vệ lớn tuổi tranh thủ kéo ghé ra nằm chợp mắt
“Thời tiết này khiến cơ thể rất khó chịu. Mỗi khi đi đường vào buổi trưa, tôi cảm nhận rõ mặt đường "bốc hơi" nóng rát vào mặt. Vì vậy, dù đã đội nón, trang bị đồ dài tay, đeo khẩu trang nhưng vẫn cảm thấy rát da” – chị Trang nói.
Để bảo vệ sức khoẻ trong những ngày nắng gắt, bác sĩ Nguyễn Viết Hậu - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra đường, mặc quần áo phù hợp để tránh tia UV gây hại cho sức khoẻ.
Công việc của những người thu mua phế liệu thêm vất vả, cực nhọc trong ngày nắng nóng
Vừa làm việc, người Sài Gòn vừa phải vật vã tìm mọi cách chống chọi với cái nắng nóng lên đến 40 độ C
Không chỉ ngoài đường, ngay trong các bệnh viện được lấp điều hoà, tình trạng nắng nóng vẫn khiến nhiều người mệt mỏi
Trong trường hợp bắt buộc phải ra đường thì nên mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10 giờ -16 giờ. Người dân cũng cần lưu ý chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống.
Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc. Đặc biệt khi đi dưới trời nắng, dù cơ thể nóng bức, khó chịu thì không được tắm ngay, kể cả không tắm nhiều lần trong ngày.