Từ xưa đến nay, theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp hàng năm được coi là ngày ông Công ông Táo về trời để báo cáo Ngọc Hoàng những điều tốt, xấu, xảy ra trong một năm qua của gia chủ dưới trần gian.
Vào ngày này, người Việt thường làm mâm cỗ cúng và cá chép vàng như một phương thức để tiễn ông Công, ông Táo về trời, mong cầu một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo
Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Nhiều người chỉ cúng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) để tượng trưng.
Các mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ.
Cá chép không chỉ là "phương tiện" để các Táo quân lên chầu trời mà còn là biểu tượng cho tinh thần vươn tới thành công, thịnh vượng.
- Cá chép: Tượng trưng cho phương tiện di chuyển của ông Công, ông Táo vì theo dân gian, cá chép là loài tượng trưng cho tính âm và đồng nhất với mặt trăng nên có thể bay lên trời được.
Bạn có thể sử dụng cá chép giấy hoặc cá chép thật đều được. Thường ở miền Bắc người ta còn cúng ba con cá chép sống thả trong chậu nước ngụ ý "cá chép hóa rồng" nhưng tại Nam Bộ thường dùng cá chép giấy nhiều hơn.
- Tiền vàng.
- 1 chiếc áo
- 1 đôi hài bằng giấy
Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Tùy theo từng gia đình có thể chuẩn bị những lễ vật cúng ông Công, ông Táo khác nhau và còn phù thuộc vào văn hóa của từng vùng miền. Ngoài các lễ vật chính kể trên, thì còn có lễ mặn, hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo Quân.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo có thể tùy theo từng gia đình, văn hóa vùng miền.
Một mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo thường gồm các thứ sau:
- Thịt heo luộc
- Gà luộc hoặc quay
- Đĩa rau xào
- Hành muối
- Xôi gấc
- Giò heo
- Canh mọc
- Cá chép nướng (ở miền Nam thường cúng cá lóc nướng)
- Trái cây tươi, trà, rượu, cau trầu,...
Nhiều bà nội trợ cũng chủ động thay các món trong mâm cỗ, như thay đĩa thịt lợn luộc bằng gà luộc, hoặc thay đổi các món canh.
Năm 2021, cúng ông Công ông Táo vào giờ nào?
Theo các chuyên gia phong thuỷ, lễ cúng ông Táo cần phải được thực hiện trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h ngày 23 tháng Chạp.
Thông thường, lễ cúng Táo quân có thể bắt đầu từ tối ngày 22 tháng Chạp đến trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên năm nay, khung giờ đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo là từ 9 giờ đến 11 giờ, bởi giờ Tỵ là giờ hoàng đạo của ngày 23 tháng Chạp.
Khung giờ đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo là từ 9 giờ đến 11 giờ, bởi giờ Tỵ là giờ hoàng đạo của ngày 23 tháng Chạp.
Cúng tiễn ông Công ông Táo về trời là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt. Tùy vào phong tục tín ngưỡng của mỗi vùng miền mà sẽ có phần khác nhau.
Bài cúng ông Công ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp
Theo cuốn Tập tục và Nghi lễ dâng hương do Hòa thượng Thích Thanh Tứ, trụ trì chùa Quán Sứ hiệu đính.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân
Tín chủ con là:
Ngụ tại:
Nhân ngày 23 tháng Chạp năm Canh Tý, tín chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa, vật phẩm, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần gia ân châm chước, ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già an ninh khang thái.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!