Theo quan niệm tâm linh người Việt, Táo quân là những vị thần cai quan chuyện bếp núc, giữ lửa trong nhà, có 2 ông và 1 bà, tượng trưng cho chiếc kiềng 3 chân trong căn bếp của người Việt xưa. Lửa ở bếp được xem như yếu tố xét xem nhà có hạnh phúc, yên ổn hay không, nên Táo quân có một vị trí vô cùng quan trọng gia đình, giúp gia đình ấm êm, hạnh phúc.
Ngày 23 tháng Chạp cũng là ngày ông Táo cưỡi cá chép lên thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng những việc xảy ra trong năm, và cũng thay mặt gia chủ thể hiện mong muốn một năm mới nhiều may mắn, phát tài, phát lộc và có nhiều điều tốt lành. Bởi vậy, việc chuẩn bị một mâm cỗ cúng ông Táo về trời là điều mà nhiều gia đình Việt rất xem trọng.
Cúng ông Táo thế nào là đúng cách? Nên đặt mâm cúng ông Táo ở bàn thờ gia tiên hay ở bếp?
Theo TS Nguyễn Hoàng Điệp, chuyên gia nghiên cứu văn hoá phương Đông, theo truyền thống văn hóa dân gian thì bàn thờ ông Táo đặt trong bếp có thể bên cạnh hoặc bên trên bếp, thể hiện tín ngưỡng của dân gian thờ vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình với mong muốn giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình thuận hòa, sung túc. Ngày xưa, lễ cúng, mâm cúng ông Táo thường được đặt trong bếp, trên một bàn thờ riêng. Còn ngày nay, nhiều nhà không còn bàn thờ riêng cho ông Táo nữa.
Đối với những nhà không có bàn thờ riêng cho ông Táo, có thể chuẩn bị 2 mâm cúng ông Táo, một mâm cúng đặt ở gian bếp và một mâm cúng ở bàn thờ, có thắp hương để thực hiện nghi lễ cúng ông Táo, cúng gia tiên. Trong khi cúng ông Táo ở mâm cúng chính trên bàn thờ gia tiên, nên bật bếp để bếp cháy lửa rồi bày mâm cỗ ra.
Mâm cúng ông Táo. Ảnh minh hoạ
Nên cúng tiễn ông Táo vào giờ nào?
Cũng theo TS Nguyễn Hoàng Điệp, vào năm nay, giờ đẹp nhất để làm lễ cúng tiễn đưa ông Táo về trời là giờ Ngọ, tức từ 11h - 13h. Đây còn gọi là giờ Long Mã, giờ Ngọ hoá rồng, giờ chư Phật thụ lộc.
Lễ vật cúng ông Táo cần có gì?
Trên thực tế, việc soạn mâm cúng ông Táo mỗi miền cũng có một số điểm riêng biệt, khác nhau, nhưng theo phong tục, văn hoá dân gian, lễ vật cúng ông Công, ông Táo cần phải có 2 mũ cánh chuồn dành cho các Táo ông, một mũ không có cánh chuồn dành cho Táo bà.
Ở miền Bắc, kèm theo mâm cúng còn có nghi lễ thả cá chép với mong muốn "lý ngư hoá long", cá chép hoá rồng để đưa ông Táo về trời. Ở một số tỉnh miền Trung, mâm cúng có thêm một con ngựa giấy. Còn ở miền Nam, "hành trang" của ông Táo đơn giản chỉ là mũ, áo và hia bằng giấy.
Ngoài lễ vật chuẩn bị cho ông Táo chầu trời, các gia đình Việt còn làm thêm một mâm lễ vật cúng mặn (hoặc cúng chay) để tiễn ông Táo. Cúng mặn thì có xôi, gà, các món nấu nấm, măng, cúng chay thì đơn giản là trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc... Mâm cúng chay thường được nhà Phật khuyên dùng với mong muốn hạn chế sát sinh, lễ vật thanh tịnh hơn.
Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa rồi tạ lễ, hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để “chở” các Táo lên chầu Trời.