Phong tục cúng ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Ngày lễ mang ý nghĩa giáo dục về truyền thống trong các gia đình, truyền tải những mong ước tốt đẹp và góp phần gia tăng thêm hương vị ngày Tết ở Việt Nam.
Năm nay, ngày ông Táo chầu trời rơi vào ngày 4/2/2021 dương lịch. Ở nhiều nơi, người dân quan niệm rằng sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, ông Táo đã lên chầu trời sẽ không nhận được đồ cúng nữa. Chính vì Lễ cúng ông Táo thường được nhiều gia đình thực hiện từ ngày hôm trước và vào buổi sáng 23 tháng Chạp.
Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình chuẩn bị lễ vật, mâm cúng, cá chép dâng cúng ông Công ông Táo. Ngày này còn được dân gian gọi với cái tên là Tết Táo quân.
Lễ cúng ông Công ông Táo tốt nhất là vào giờ Ngọ (11-13h) ngày 22 và 23 tháng Chạp.
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, do đặc thù công việc, nhiều gia đình không thể kịp chuẩn bị để tổ chức lễ cúng ông Công ông Táo vào chiều ngày 23 cho thật tươm tất. Vậy nếu gia chủ bận việc có nên cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 không?
Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển, Viện nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho hay, lễ cúng ông Công ông Táo tốt nhất là vào giờ Ngọ (11h – 13h) ngày 22 và 23 tháng Chạp khi các thần quy tụ chuẩn vị về trời. Tùy vào điều kiện từng gia đình mà lễ cúng có thể khác nhau. Có gia đình cúng vào buổi sáng hoặc buổi chiều ngày 23 nhưng cũng có gia đình đã thực hiện lễ cúng ông táo sớm trước đó 1 ngày.
Tuy nhiên, nếu không bận việc thì gia chủ nên hoàn tất việc cúng ông Công ông táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp để kịp giờ các thần lên thiên đình. Trong trường hợp bất khả kháng chỉ có thể cúng vào tối 23 thì gia đình nên thành tâm và có xin phép.
Mâm cúng ông Công ông Táo.
Với quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian, nên người Việt làm lễ tiễn ông Công ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi.
Sau lễ tiễn Táo quân, đến chiều ba mươi Tết (có nơi là đêm Giao thừa) hoặc ngày mùng bốn tháng Giêng, phải làm lễ đón ngài từ trời quay trở về với gia chủ, gọi là lễ tiếp Táo. Lễ này có thể long trọng không kém lễ tiễn nhưng cũng có thể rất đơn giản, chỉ cần treo hình Táo quân và hình con ngựa mới, tượng trưng là ngài đã trở về trấn thủ trong nhà để tiếp tục phù hộ và giám sát việc thiện ác trong năm mới.