Cầu ngư là lễ hội truyền thống của ngư dân vùng biển ở các huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh. Hàng năm, vào dịp tháng Giêng, ngư dân các địa phương ven biển tỉnh Quảng Bình thường tổ chức lễ tế cá ông, lồng ghép dưới hình thức lễ hội cầu ngư và ra quân đánh bắt vụ cá nam.
Lễ hội Cầu ngư được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có viết: "Cá biển có cá voi đầu tròn, ở trán có lỗ phun nước, mũi miệng như con voi, mình trơn láng không có vảy, đuôi chẻ đôi như đuôi tôm, tính hiền lành, hay cứu giúp người. Thuyền đi biển bị đắm, cá voi thường đưa người lên bờ. Dân vùng biển đều kính lễ, có xác cá ấy trôi dạt vào đâu thì ngư dân góp tiền, vải, sắm quan tài để liệm chôn, lấy người trùm ngư dân làm tang chủ... lập đền thờ phụng".
Dưới thời Gia Long (nhà Nguyễn), nhà vua đã ban sắc phong cho cá voi là "Nam Hải Đại tướng quân", được xếp vào hàng Thượng đẳng thần. Lúc bấy giờ, nhiều làng, xã vùng duyên hải miền Trung trong đó có Quảng Bình, ngư dân đã lập đền thờ "ngư Ông", "Nam Hải Đại tướng quân" để tôn vinh và thờ phụng lâu dài.
Cầu ngư là lễ hội văn hoá tín ngưỡng đặc sắc của bà con ngư dân mang đậm ý nghĩa tôn vinh nghề nghiệp cũng như mong muốn cầu tài, cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa, ra khơi đánh bắt thuận lợi, tôm cá đầy khoang; là nét tâm linh thể hiện khát vọng bình yên trong lao động sản xuất và đời sống người dân vùng biển…
Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của tỉnh Quảng Bình. Đồng thời sẽ góp phần thuận lợi trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời tạo tiền đề thuận lợi trong phát triển du lịch cho tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới.
Để được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Trong đợt này, cùng với Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình, có thêm 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc các loại hình nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng của một số địa phương trong cả nước. Cụ thể, 7 di sản đó là: Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng (tỉnh Bến Tre); Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc (tỉnh Bến Tre); Hò Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp); Lễ bỏ mả của người Raglai (tỉnh Ninh Thuận); Lễ cấp sắc của người Sán Dìu (tỉnh Thái Nguyên); Pá Dung của người Dao (tỉnh Thái Nguyên); Soọng Cô của người Sán Dìu (tỉnh Vĩnh Phúc).