Hôm nay, ngày 25/2 (mùng 10 tháng Giêng), tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội), chính quyền huyện Ba Vì đã tổ chức lễ đón bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời khai hội Tản Viên Sơn Thành và khai trương du lịch Ba Vì năm 2018 với chủ đề “Du lịch Ba Vì – điểm hẹn văn hoá”.
Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh diễn ra trong 3 ngày (23, 24, 25/2/2018) với các chương trình lễ hội như: dâng hương, giao lưu văn nghệ nhân dân các phường, các trò chơi dân gian, hội chợ thương mại Xuân Mậu Tuất, chợ quê ẩm thực, các hoạt động thể thao...
Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng theo Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30/1/2018 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Việc công nhận này nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, tinh thần của người dân Ba Vì nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung đối với công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn; đồng thời, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống.
Trong buổi lễ đón Bằng công nhận Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, huyện Ba Vì sẽ tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch đang là thế mạnh của huyện như kết hợp giữa phát triển du lịch sinh thái với du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, huyện Ba Vì sẽ tăng cường hợp tác, giao lưu, xúc tiến phát triển các khu du lịch của huyện với cả nước và quốc tế.
Cũng trong sáng 25/2, UBND xã Yên Ninh đã long trọng tổ chức lễ Công bố quyết định công nhận Lễ hội Trò Chiềng là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Thay mặt Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch, ông Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã trao quyết định cho các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa.
Lễ Công bố quyết định công nhận Lễ hội Trò Chiềng là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia
Theo sử sách ghi lại, lễ hội Trò Chiềng (thuộc làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) là lễ hội phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, tái hiện lại những năm tháng luyện tập binh mã để đi dẹp giặc cứu nước, thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân. Lễ hội cũng gắn liền với những chiến công hiển hách cũng như công lao to lớn của Thành Hoàng làng Tam Công Trịnh Quốc Bảo.
Lễ hội Trò Chiềng là một lễ hội vừa mang đậm sắc thái văn hóa, vừa mang dấu ấn lịch sử sâu sắc, lại có những nét độc đáo riêng mà không nơi nào có được. Thế nhưng qua thời gian, biến cố lịch sử nên lễ hội đã bị mai một và không có điều kiện tổ chức.
Với tâm tư nguyện vọng của người dân, cũng như được sự quan tâm của các cấp lạnh đạo, lễ hội Trò Chiềng đã được phục dựng và tham dự nhiều lễ hội lớn của Quốc gia. Lễ hội Trò Chiềng đã được chọn cử tham gia lễ hội Lam Kinh, Lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn. Đặc biệt vào năm 2010, lễ hội Trò Chiềng đã được tái xuất biểu diễn tại Lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Trò chọi voi nằm trong lễ hội Trò Chiềng
Trò Chiềng là một trò diễn tổng hợp đồ sộ gồm 12 trò diễn, được bố cục thành một chương trình để trình diễn đan xen với phần lễ và phần hội, có trậ tự logic, rõ ràng rành mạch. Trong lễ hội có 4 phần rước gồm: Rước cỗ vàng, rước cỗ gà, rước thành hoàng và rước Phụng Hoàn.
Phần hội trong Lễ hội Trò Chiềng có các trò đặc sắc như Kén rể, Tẩu mã, Chọi voi, Chọi rồng - cá chép hóa rồng, Voi bị, Đốt pháo bông, Lễ rước Phụng Hoàn. Lễ hội Trò Chiềng mở đầu bằng trò Kén rể. Tương truyền, con gái làng Trịnh Xá vốn nổi tiếng đẹp người, đẹp nết, mỗi khi làng mở hội, tổ chức kén rể thì tài tử khắp chốn xa gần đều nô nức kéo đến tham gia. Mở đầu trò Kén rể có người đóng vai Lương tướng, người đóng vai Lão Nguyệt,…
Sau hơn 60 năm thất truyền (từ năm 1946 đến 2007), Trò Chiềng đã được khôi phục với đầy đủ 12 trò diễn đặc sắc, trở thành một nét đẹp văn hóa được gìn giữ và tổ chức hằng năm.