Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Phạm Anh Dũng (bên trái). |
Gặp chúng tôi, Chủ tịch UBND Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) Phạm Anh Dũng, vui vẻ giới thiệu về phương án phát triển mô hình du lịch trên sông Đồng Nai trong tương lai gần. “Đồng Nai thập cảnh” là niềm tự hào từ xa xưa của cư dân nơi này (về sau còn có thêm Hồ Trị An…) đó cũng chính là một lợi thế về tiềm năng du lịch nơi đây. Trong khi thế giới và khu vực đang được cảnh báo về nguy cơ của biến đổi khí hậu và môi trường, thì việc xúc tiến phát triển du lịch trên sông Đồng Nai sẽ là điểm du lịch xanh hấp dẫn du khách, đặc biệt là nhóm khách, khách đi theo tour và hộ gia đình đi nghỉ cuối tuần; …”.
Đưa tuyến du lịch đường sông vào khai thác, sẽ bắt đầu từ Cù lao Ba Xê (phía hạ nguồn) ngược thượng nguồn đến bến đò Hiếu Liêm, khoảng 90 km. Người Đồng Nai tự hào với “Thập cảnh”- mười thắng cảnh. Đó là: Làng bưởi Tân Triều; Khu du lịch hấp dẫn Bửu Long với Văn miếu Trấn Biên; Rừng Sác Nhơn Trạch với khu du lịch “Bò cạp vàng”; Thác Giang Điền- được mệnh danh là vùng “Tiểu khí hậu Đà Lạt”; Đảo Ó- Đồng Trường; Vườn Quốc gia Cát Tiên; Thác Mai- Bàu nước sôi; Suối Mơ; Núi Chứa Chan- Xuân Lộc, Thác Ba Giọt, Hồ Trị An…
Chùa Bửu Phước nhìn từ mặt sông. |
“Du lịch trên sông” có lợi thế ở chỗ, nếu đi bằng phương tiện xe hơi, thì để đến được các địa danh kể trên, chúng ta phải tốn nhiều thời gian(nhiều ngày); nhưng nếu đi trên sông chúng ta có thể “mục sở thị” nhiều thắng cảnh đẹp nhìn từ mặt sông rất thú vị, với không khí trong lành, dịu mát…mà chỉ trong một ngày. Cái cảm giác ngồi trên ca nô lướt trên sóng nước mênh mang, gió lùa vào mái tóc, nước từ mặt sông phả hơi mát trên mặt…cho ta một cảm giác đầy thú vị.
Theo dự án, thì phương tiện chính (ban đầu) sẽ là 10 chiếc ca nô loại 28 chỗ ngồi; trên tuyến 90 km sẽ đầu tư một số điểm dừng chân, như: Cù lao Ba Xê (phường Long Bình Tân); Bến thủy nội địa( phường Hòa Bình và phường Thanh Bình); bến đò Bửu Long-thuộc phường Bửu Long; bến tàu và điểm du lịch Hiếu Liêm và Hồ Trị An( huyện Vĩnh Cửu)…
Làng cá bè Tân Mai - Một điểm nhấn trong Tour du lịch trên sông Đồng Nai. |
Chủ tịch Phạm Anh Dũng cho biết: Ý tưởng phát triển du lịch trên sông Đồng Nai hình thành khi cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đi khảo sát “Du lịch sinh thái trên sông” tại các tỉnh miền Tây, như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Mỹ Tho (Tiền Giang)… cùng các chuyến “khảo sát” tại Hàn Quốc, Thái Lan, và các nước châu Âu có du lịch đường sông, như: Pháp, Ý, Đức, Đan Mạch… Nếu so sánh, thì Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch đường sông khi có nhiều danh thắng và di tích lịch sử đầy hấp dẫn. Ví dụ, điểm dừng chân tại “Làng bưởi Tân Triều”, để du khách thưởng thức những món ăn đặc sản từ trái bưởi: gỏi bưởi, chè bưởi…; qua cầu nối Bửu Long - Tân Hạnh- thăm làng gốm sứ Tân Vạn bên cạnh Trường cao đẳng mỹ thuật; Cù lao Hiệp Hòa, nơi có Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh- “Người có công mở đất”, Cù Lao Phố cạnh cầu Ghềnh; Làng cá bè Tân Mai với khoảng hơn 300 bè cá, Khu du lịch Suối Tiên mới…
Khi du lịch trên sông của Đồng Nai phát triển sẽ kết nối với du lịch lữ hành với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, tạo thành “Chuỗi du lịch hấp dẫn” với các tour khác nhau cho khách lựa chọn.
Trả lời câu hỏi: Để sớm khai trương được "Tour du lịch trên sông Đồng Nai”, các anh cần chuẩn bị thêm những gì? "Bên cạnh công việc xây dựng, nâng cấp các khu vui chơi giải trí, vườn thú, khu du lịch sinh thái, đấu thầu: chọn nhà cung cấp đội tàu (ca nô), xe điện dạng bus …và các trang thiết bị phù hợp với từng điểm. Hiện đã chúng tôi gửi đào tạo “nguồn nhân lực “nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng cho nhân viên lữ hành v.v.v… Khi có phê duyệt của UBND tỉnh Đồng Nai, chúng tôi sẽ triển khai ngay để sớm khai trương tour du lịch trên sông Đồng Nai phục vụ du khách", Chủ tịch UBND TP Biên Hòa - Phạm Anh Dũng cho biết.