Theo đó, trong đợt này, có 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những di sản này thuộc địa bàn các tỉnh/ thành phố: Hà Giang, Hải Phòng, Nghệ An, Phú Thọ, Phú Yên, Tây Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa.
Một góc thủy đình phường múa rối Nguyên Xá.
Các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận nêu trên thuộc 5 loại hình: Tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống. Đó là các di sản:
1. Kỹ thuật làm giấy bản của người Dao đỏ (thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang). Giấy bản là một vật phẩm mang nhiều sắc thái tâm linh không chỉ của người Dao mà của nhiều tộc người khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai, được dùng vào dịp cúng lễ, nhất là dịp Tết và mùa lễ hội đầu năm. Đây là loại giấy độc, có nguồn gốc rất lâu đời, công nghệ sản xuất được lưu giữ qua nhiều thế hệ...
2. Hát đúm Thủy Nguyên (xã Phục Lễ, xã Phả Lễ, xã Lập Lễ, xã Tam Hưng, xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng).
3. Lễ hội Đền Quả Sơn (xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).
4. Lễ hội Đền Lăng Sương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Đền Lăng Sương được xây dựng từ thời Thục An Dương Vương là nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh và thân mẫu của ngài cùng bộ tướng Cao Sơn, Quý Minh. Đây là đền duy nhất ở nước ta thờ cả gia đình Đức Thánh Tản. Đất Trung Nghĩa với tên cổ là động Lăng Sương còn là nơi sinh ra Tổ Mẫu Âu Cơ - người mẹ huyền thoại đầu tiên của dân tộc Việt. Đây cũng là nơi sinh ra nữ tướng Thiều Hoa - vị tướng giỏi của hai bà Trưng. Trong đền, Mẫu Đinh Thị Đen (người sinh thành ta Thánh Tản Viên) có vị trí thờ trang trọng nhất và đền Lăng Sương còn có tên gọi là đền Thánh Mẫu. Lễ hội đền Lăng Sương có hai ngày chính trong năm: Ngày 15 tháng Giêng là kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh Tản và ngày 25/10 âm lịch là ngày Thánh Mẫu về trời.
5. Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê (huyện Sông Hinh, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).
6. Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu - Núi Bà Đen (thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh). Lễ vía Bà được xem là lễ hội dân gian lớn ở Tây Ninh nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung. Bà Linh Sơn Thánh Mẫu là một trong những biểu tượng thờ mẫu điển hình ở Nam bộ. Nghi thức lễ hội có sự kết hợp hài hòa giữa nghi thức Phật giáo và dân gian.
7. Nghệ thuật múa rối nước ở Nguyên Xá và Đông Các (xã Nguyên Xá, xã Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).
8. Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Làng nghề đúc đồng này đã có từ ngàn đời nay. Khoảng những năm đầu của thế kỷ thứ X, nghệ nhân Khổng Minh Không đã truyền nghề đúc đồng cho dân làng nơi đây. Ông được xem là ông tổ làng nghề đúc đồng ở địa phương...
Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Trong Quyết định 3325/QĐ-BVHTTDL cũng nêu rõ: Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn phải thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Như vậy tính đến thời điểm này hiện cả nước đã có 257 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.