Không chỉ riêng tôi, mà có lẽ mọi người trong phòng xử đang lắng lòng nghe Thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn tuyên từng câu từng chữ bản án phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy (cùng ngụ quận 12) và bị đơn là ông Lê Văn Dư, Lê Sỹ Thắng, Khâu Văn Sĩ (cùng ngụ quận Gò Vấp).
Một vị cựu lãnh đạo tòa án: không thể tưởng tượng được lại có một bản án như vậy…
Năm 1999, ông Huỳnh Hữu Lợi chuyển nhượng bằng hình thức viết giấy tay cho vợ chồng ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy 3.500m² đất thuộc thửa 504, tờ bản đồ số 40, phường 15, quận Gò Vấp. Ngày 3/2/2002, vợ chồng ông Quý bán lại cho ông Khâu Văn Sĩ diện tích 500m² đất bằng giấy tay.
Ngày 18/4/2009, vợ chồng ông Quý tiếp tục chuyển nhượng bằng giấy tay cho ông Lê Văn Dư và ông Lê Sỹ Thắng (ông Thắng là cháu ông Dư) mỗi người 87m² đất với lời hứa sẽ thực hiện việc tách thửa và đăng bộ phần diện tích đã bán. Sau này, giữa ông Dư, ông Thắng và ông Sĩ có chuyển nhượng qua lại các phần đất này cho nhau. Tất cả những giao dịch mua bán, chuyển nhượng này đều có lập thành hợp đồng nhưng không công chứng.
Sau khi mua đất, gia đình các ông đã chuyển về đây sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai, tiến hành kê khai tạm trú tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà để quản lý.
Vụ việc được TAND quận Gò Vấp thụ lý và ban hành bản án sơ thẩm số 507/2019/DS-ST công nhận hai hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 18/4/2009, giữa vợ chồng ông Quý với ông Dư và ông Thắng mỗi người 87m², thuộc thửa 504, tờ bản đồ số 40 Phường 15, quận Gò Vấp; song lại tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 3/2/2002, giữa vợ chồng ông Quý, với ông Sỹ về việc chuyển nhượng 500m² đất;
Buộc các đồng bị đơn phải hoàn trả lại cho vợ chồng ông Quý phần diện tích 500m² đất nói trên; Công nhận phần diện tích 500m² đất cho vợ chồng ông Quý. Còn vợ chồng ông Quý phải thanh toán cho ông Dư số tiền hơn 5,5 tỷ đồng (phần diện tích ông Dư mua lại của ông Sỹ 500m²)… Bản án sau đó đã bị Viện KSND quận Gò Vấp có kháng nghị.
Cả gia đình bị đơn gần như sụp đổ dưới chân thần công lý.
Phiên phúc thẩm từ hôm 25/6 đã tạm hoãn không rõ lý do và được mở lại chiều nay 1/7. Sau phần tranh luận (gần giống như buổi hỏi đáp) phía nguyên đơn chừng như không một luận cứ tranh luận nào. Mặc cho các luật sư phía bị đơn đưa ra nhiều luận cứ, dù Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm rõ ràng công nhận kháng nghị của VKS Gò Vấp và các kháng cáo của các bị đơn, nhưng chừng như mọi phát biểu ấy chỉ là… thủ tục.
Và không ngoài dự đoán, Hội đồng xét xử đã có quyết định như là định sẵn, đã tuyên cả 3 hợp đồng chuyển nhượng đất nêu trên giữa nguyên đơn và 3 bị đơn vô hiệu. Bản án đã đứng về phía nguyên đơn, người có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mười năm trước, tiền thu đủ, nhưng nay đất đã bán lại quay về bằng bản án phúc thẩm này.
Cảm nhận của một luật sư từ phiên tòa này rằng, đây là một bản án trái pháp luật, phi đạo đức, đã dẫn đến sự bức xúc và tuyệt vọng cho gia đình bị đơn dẫn đến các hành vi mất kiểm soát của gia đình bị đơn.
Trong ngày hôm nay nếu như không có sự tỉnh táo của các luật sư cũng như những nhà báo và những người dân tham dự phiên tòa, kịp thời giữ lại người phụ nữ là vợ của bị đơn để bà ta không nhảy lầu thì một phiên bản giống như vụ Lương Hữu Phước có thể đã xảy ra.
Và có lẽ cũng không chỉ riêng tôi, mà nhiều luật sư, nhà báo, và nhiều người dự khán phiên tòa đều nhìn thấy trong ánh mắt tuyệt vọng của bị đơn Lê Văn Dư một câu hỏi lắng lòng: Công lý có màu gì…