Hàng loạt vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Liên quan đến vụ ông Lương Hữu Phước (SN 1965, ngụ phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) vào trụ sở TAND tỉnh Bình Phước nhảy lầu tự tử chiều 29/5. Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trước đó tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất (ngày 9/10/2018), xử vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, HĐXX tòa phúc thẩm đã chỉ ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của TAND cấp sơ thẩm lần 1 (ngày 29/3/2018).
Hiện trường ông Lương Hữu Phước vào trụ sở TAND tỉnh Bình Phước nhảy lầu tự tử vào chiều 29/5.
Cụ thể, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót trong việc điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Những vi phạm đó là kết quả điều tra: Sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan CSĐT đã tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tuy nhiên xét lời khai của bị cáo và các nhân chứng có nhiều quan điểm còn mâu thuẫn.
Theo lời khai của bị cáo Lương Hữu Phước, trước khi chuyển hướng, ông Phước đã bật đèn xi nhan, trong khi các nhân chứng Trần Thị Hằng, Trần Thị Kim Liên khai không thấy. Tại phiên tòa nhân chứng Hằng, Liên khai không thấy chứ không khẳng định ông Phước không bật đèn.
Còn tại biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông (TNGT) được lập hồi 15 giờ 45 phút ngày 15/1/2017 đối với chiếc xe máy biển số 93H8 - 5674 do bị cáo điều khiển, có ghi hệ thống treo, ga, số, đồng hồ, đèn, còi gương còn tác dụng nhưng không thể hiện vị trí công tắc đèn xi nhan, không ghi rõ tình trạng ổ khóa điện khởi động xe ở vị trí mở hay tắt.
“Như vậy, lời khai của bị cáo không thừa nhận và các nhân chứng khai không cụ thể. Biên bản khám nghiệm phương tiện thể hiện không đầy đủ, nên kết quả điều tra và bản án sơ thẩm xác định bị cáo chuyển hướng không bật đèn xi nhan là chưa đủ căn cứ”, biên bản tòa phúc thẩm lần 1, chỉ rõ.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra và tại biên bản đối chất ngày 10/10/2017 và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm Lâm Tươi đều khai nhận: “Khi điều khiển xe máy cách 50m, tôi nhìn thấy 2 người (ông Phước và ông Quý) dừng xe ở lề đường bên trái hướng ngã tư Sóc Miên, Trạm điện. Khi cách 30m, thấy ông Phước băng qua đường, ông Phước điều khiển xe băng qua đường cũng đi từ từ chứ không phải dừng xe”, như vậy lời khai của Lâm Tươi phù hợp với lời khai của bị cáo Phước.
Cũng theo HĐXX phiên tòa phúc thẩm lần 1, lời khai này của Lâm Tươi mâu thuẫn với lời khai của chính bản thân về tình huống bị bất ngờ khi cách xe ông Phước 5m, không kịp xử lý nên xe máy do Lâm Tươi đang điều khiển đụng xéo vào giữa xe của ông Phước.
Phúc thẩm lần 1 khẳng định không có căn cứ kết tội ông Phước
Tại bản ảnh và biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện dấu vết cà của xe 93H8 - 5674 do ông Phước điều khiển bị ngã, khi xe máy biển số 93H2 - 0547 do Lâm Tươi điều khiển đụng vào có vị trí: Điểm đầu vết cà cách đường 2,2m.
Theo dấu vết cà này, thì xe 93H8 - 5674 bị trượt đổ theo hướng từ tim đường vào phía lề đường. Nhưng cơ quan điều tra chưa điều tra làm rõ để xác định hướng va chạm của xe máy do Lâm Tươi điều khiển đối với chiếc xe do bị cáo Phước điều khiển; có làm rõ nội dung này mới xác định được Lâm Tươi điều khiển có đi cách phần lề đường bên phải khoảng 1m, như Lâm Tươi khai nhận và các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm xác định hay không?
“Tại tòa, Lâm Tươi khai khi bất ngờ gặp xe bị cáo Phước băng ngang đường, Lâm Tươi bẻ tay lái về bên phải. Trong trường hợp này không thể tạo ra vết cày có điểm cách lề đường 2,2m. Do đó, cần phải tiến hành thực nghiệm hiện điều tra hoặc giám định để xác định hướng tác động để xác định Lâm Tươi điều khiển xe cách lề đường bên phải bao nhiêu mét? Có đi đúng phần đường bên phải theo quy định hay không”, HĐXX phúc thẩm lần 1, yêu cầu.
Đối với vấn đề cần làm rõ, trước khi xảy ra tai nạn, Lâm Tươi có quay lại phía sau để nói chuyện với Trị Tiếp như lời khai của chị Hằng và chị Liên hay không? Vì như trên đã phân tích, Lâm Tươi khai bị cáo cũng đi từ từ, vậy trong trường hợp này Lâm Tươi khai có đúng thực tế dẫn đến vụ tai nạn hay không?
Hiện trường vụ tai nạn do người dân chụp
Đặc biệt, tại hiện trường vụ án không có dấu vết thắng của xe máy do Lâm Tươi điều khiển, nên cần phải điều tra làm rõ khi điều khiển xe Lâm Tươi có quan sát phía trước hay không để xác định nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn.
Trong quá trình điều tra, tại các biên bản ghi lời khai của Lâm Tươi, biên bản xử lý vi phạm hành chính của cơ quan đều ghi biển số xe của chiếc xe do Lâm Tươi điều khiển là 93H2 - 8547, trong khi các tài liệu khác như biên bản khám nghiệm hiện trường, lời khai của bị cáo đều thể hiện biển số 93H2 - 0547.
Khi điều tra xét xử lại vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần phải xem xét đánh giá lại người bị hại có phần lỗi nào hay không? Vì như kết quả điều tra đã thể hiện khi bị cáo Lương Hữu Phước điều khiển xe rẽ qua đường, việc anh Trần Hữu Quý đã vịn tay vào vai (lời khai bà Trần Thị Kim Liên), hoặc chồm người ghì tay Phước (như lời khai của ông Phước) nên cần phải đánh giá hành động này của Quý có ảnh hưởng đến việc điều khiển xe lúc sang đường của bị cáo hay không?
“Do có nhiều sai sót trong quá trình điều tra như đã phân tích ở phần trên, nên tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo là chưa đủ căn cứ vững chắc. Những vi phạm và thiếu sót nói trên, tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Nên cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.
Quan điểm của đại diện Viện KSND tại phiên tòa là không có căn cứ nên không được HĐXX chấp nhận. Quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo là có căn cứ nên được chấp nhận”, bản án phúc thẩm lần 1, nêu rõ.
Đo nồng độ cồn khi ông Phước… ngủ trong bệnh viện!
Luật sư Dương Vĩnh Tuyến cho biết, tại phiên phúc thẩm lần thứ nhất, luật sư đã hỏi ông Bùi Danh Sơn (điều tra viên) là ông Sơn đến từ đầu, chứng kiến lúc nào mà trong biên bản hiện trường ghi: Hiện trường bị xáo trộn? Ông Sơn không trả lời.
Nội dung thứ 2, tại thông 727 ngày 28/12/2012 của Bộ Công an quy định thẩm quyền điều tra, xác minh tai nạn giao thông (TNGT), thì TNGT ở đâu do cảnh sát giao thông (CSGT) ở đó điều tra. Theo khoản 7 điều 7, quy định: Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm, kịp thời báo ngay cho lãnh đạo phân công điều tra.
Ở đây vụ TNGT xảy ra khoảng 14 giờ ngày 15/1/2017, nhưng đến ngày 17/1/2017, anh Quý mất. Vậy căn cứ đâu nói rằng có tội phạm, trong khi CSGT chưa điều tra, xác định rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn, chưa xác định lỗi do ai nhưng biên bản khám nghiệm hiện trường lại có chữ ký ông Bùi Danh Sơn và ông Nguyễn Viết Dũng?
“Những vấn đề này tôi đều trình bày trước phiên tòa sơ thẩm lần 2, và phúc thẩm lần 2 nhưng HĐXX không lắng nghe! Đó chính là điều dẫn đến bức xúc của anh Lương Hữu Phước và buổi chiều 29/5, anh tự sát. Tiếp đến, tại bút lục số 56 thể hiện việc đo nồng độ cồn anh Phước có nồng độ cồn trong khí thở 0,69mg. Nhưng có điều đặc biệt, thời gian tiến hành đo là 14 giờ 43 phút, thời gian kết thúc cũng 14 giờ 43 phút, có nghĩa thời gian… không chịu nhảy, nhưng máy đo lại nhảy. Vậy kết quả đo nồng độ cồn này có cơ sở không? Nhưng cấp sơ thẩm lần 2, đã không quan tâm.
Tại tòa phúc thẩm lần 2, tôi tiếp tục hỏi ông Đỗ Xuân Tân (CSGT TP Đồng Xoài) đo nồng độ cồn ông Phước trong trạng thái nào? Ông Tân nói đo nồng độ cồn trong lúc ông Phước… đang ngủ trong bệnh viện! Nhưng HĐXX phúc thẩm vẫn không đả động gì vấn đề này.