Ngư dân Nguyễn Công Quý (ở cảng cá Đề Gi, Phù Cát, Bình Định) đóng chiếc tàu sắt hơn 14 tỉ đồng chỉ ra khơi được một lần rồi nằm bờ gần hai năm qua - Ảnh: Trường Đăng |
Trong phần kiến nghị, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương một số nội dung.
Cụ thể, kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng của bộ phối hợp với Công an tỉnh Bình Định để điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng với ngư dân.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm tàu cá - Tổng cục thủy sản kiểm định chất lượng các tàu sau khi đã được các công ty đóng tàu sửa chữa, khắc phục.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ.
Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh Bình Định giao Công an tỉnh Bình Định báo cáo Bộ Công an về tình hình hư hỏng của 18 tàu vỏ thép và đề nghị lập hồ sơ khởi tố trước pháp luật các cơ sở đóng tàu gian dối.
Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, có 14 tàu vỏ thép do Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu đóng và năm chiếc do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng đã hư hỏng nặng về máy, gỉ sét vỏ tàu, khiến hầu hết các tàu này nằm bờ dài ngày ngay trong mùa đánh bắt, gây thiệt hại nặng cho ngư dân.
Chiều 30-6, lãnh đạo hai công ty trên đã ký biên bản cam kết với các chủ tàu thống nhất sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị trong hai tháng 7 và 8-2017, mọi chi phí do hai công ty chi trả.