Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm nay cho biết, Lễ hội Chùa Hương sẽ chính thức khai hội ngày hôm nay 2/2/2017 (tức ngày 6 tháng Tết Nguyên Đán) và kéo dài đến tháng 3 Âm lịch. Lễ hội dự kiến sẽ đón khoảng 1,3 đến 1,5 triệu khách, thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng. Ngân sách thu từ nhiều năm nay được thành phố cho phép huyện thụ hưởng 100%, để tái đầu tư phát triển du lịch tâm linh ở Chùa Hương thành một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương. |
Theo ông Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm nay), mức giá vé thăm quan thắng cảnh và đò thuyền phục vụ Lễ hội chùa Hương năm 2017 sẽ thay đổi so với lễ hội chùa Hương các năm trước.
Cụ thể, các mức giá vé thăm quan thắng cảnh và đò thuyền như sau:
Mức thu phí đối với 21 điểm trong di tích chùa Hương sẽ tăng từ 49.000 đồng lên 80 nghìn đồng, vé đò bến Hương Tích tăng 50 nghìn đồng (bao gồm phí bảo hiểm). Mức thu phí này tăng 57% so với năm 2016. Theo Quy định của Bộ Tài chính mức thu phí thắng cảnh tối đa của Chùa Hương là 120 nghìn đồng nhưng hiện nay mới thu ở mức khiêm tốn.
Trước đó, ngày 6/12/2016, HĐND TP Hà Nội đã thông qua tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định thu phí danh thắng trên địa bàn thành phố. Theo đó, mức thu phí đối với di tích chùa Hương sẽ tăng từ 49 nghìn đồng lên 78 nghìn đồng đối với vé thường, từ 24 nghìn đồng lên 38 nghìn đồng đối với vé ưu đãi.
Vé đò thuyền tăng từ 35 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng/người. Như vậy mỗi du khách vào thăm quan, lễ hội chùa Hương từ năm 2017 sẽ phải mua vé cả đò thuyền và thắng cảnh là: Vé thường: 130 nghìn/người; Vé ưu tiên: 88 nghìn đồng/người.
Cũng theo ông Hậu, về giá trông giữ phương tiện vẫn giữ nguyên như các năm trước, ô tô 9 chỗ chở xuống là 40 nghìn đồng/ngày và 60 nghìn/đêm. Xe ô tô trên 10 ghế là 50 nghìn/ngày và 75 nghìn/đêm. Phương tiện xe máy là 3 nghìn/ngày và 5 nghìn đồng/đêm.
Riêng giá vé cáp treo thuộc Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch Hương Sơn, đơn vị chủ quản và vận hành hệ thống cáp chùa Hương, là 160 nghìn đồng/người lớn (vé khứ hồi) và 100.000 đồng/người (vé một chiều); trẻ em:100.000 đồng/người (vé khứ hồi) và 70.000 đồng/người (vé một chiều); trẻ em cao 1,1m trở xuống được áp dụng mức giá dành cho trẻ em, cao trên 1,1m mức giá vé tính như người lớn.
Năm 2017, Chùa Hương dự kiến đón khoảng 1,3 đến 1,5 triệu khách, thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng. Ngân sách thu từ nhiều năm nay được thành phố cho phép huyện thụ hưởng 100% để tái đầu tư trong khu vực Chùa Hương.
Khách thập phương tham quan Động Hương Tích. |
Ông Hậu cho biết thêm, trước đó dù chưa chính thức khai mạc nhưng mùng 4 Tết Chùa Hương đã đón khoảng 40.000 lượt khách tới tham quan. Ngày mùng 5 lượng vé tham quan bán ra là 69.000. Tính đến hết mùng 5 Tết (các ngày 30, mùng 1, mùng 2 không bán vé), lượng khách thập phương về chùa Hương đạt gần 10 vạn lượt.
Lượng du khách về trảy hội chùa Hương năm 2016 là 1,4 triệu. Mùa lễ hội 2017, huyện Mỹ Đức dự kiến đón khoảng 1,3-1,5 triệu khách.
Vì thế năm nay Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương dự kiến mở thêm một cổng bán vé theo trục đường từ Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam) vào bến đò chùa Hương. Như vậy, du khách từ phía nam như các tỉnh thành Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... có thể theo trục đường này về lễ hội với đoạn đường ngắn hơn, giảm thời gian và chi phí di chuyển.
Lễ hội chùa Hương là một nét văn hóa, tâm linh truyền thống của người Việt Nam. Cứ mùa xuân đến, vào ngày mùng 6 tháng giêng, lễ hội chùa Hương lại được tổ chức và kéo dài đến hết ngày 25.3 âm lịch. Mỗi năm mùa lễ hội tới, Ban Tổ chức lễ hội lại đem tới cho du khách những điều mới về công tác tổ chức. Và năm 2017, lễ hội chùa Hương có những nét mới là:
Lễ hội chùa Hương 2017 với chủ đề “ Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch”. Vì vậy, Ban Tổ chức lễ hội luôn xác định đảm bảo đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ và các điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách về trẩy hội. Đến nay UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và 7 tiểu ban.
Điểm mới của lễ hội chùa Hương 2017 là Ban Tổ chức quyết định thành lập 2 tổ kiểm tra liên ngành, kiên quyết xử lý các chủ phương tiên thuyền đò không chấp hành nội quy; các chủ nhà hàng, dịch vụ hàng quán trong lễ hội để xảy ra các hiện tượng thiếu văn minh đối với du khách về tham quan, trẩy hội chùa Hương.
Hơn 5.000 thuyền đò đã sẵn sàng phục vụ du khách thập phương về trẩy hội chùa Hương. |
Một điểm mới nữa là, kể từ năm 2017, miễn phí sử dụng các nhà vệ sinh công cộng ở những bến đò, điểm trông giữ xe ô tô, tạo sự dễ chịu cho du khách trẩy hội.
Hằng năm cứ mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương, hành trình về một miền đất phật. Mỗi người thành tâm dâng lên một nén tâm hương, lời nguyện cầu, hoặc thả hồn mình bay bổng hòa quyện với thiên nhiên, ở một vùng miền còn in dấu tích phật thoại và văn hóa tâm linh.
Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội. Chùa Hương đã được nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia ngày 8.4.1962. Nhân dân xã Hương Sơn và du khách thập phương khi trẩy hội thường gọi với cái tên dân dã là đi chùa Hương. Ngày mùng 6 tháng giêng hằng năm là ngày khai hội Chùa Hương, ngày này vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương, sau này trở thành ngày khai hội.