Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2019 cho biết, Lễ hội năm nay có chủ đề “Lễ hội Kỷ cương - văn minh - du lịch", do khai hội diễn ra đúng ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán giữa tiết trời mùa xuân ấm áp, cho nên số lượng người hành hương về đất Phật Hương Sơn dự kiến sẽ tăng cao. Lễ khai hội năm nay cũng là dịp địa phương đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt sau một thời gian bị “treo” vì những bất cập về công trình xây dựng tại Thiên Trù trước đó.
Lối vào khu di tích Hương Sơn đông kín người.
Theo con số thống kê của Ban tổ chức, chỉ tính riêng hôm qua, mùng 5 Tết, có hơn 45.000 lượt du khách trong và ngoài nước về trẩy hội. Còn từ mùng 3 - 5 Tết Nguyên đán, theo thống kê của ban Tổ chức, đã có khoảng hơn 120.000 du khách đổ về Chùa Hương tham quan, vãn cảnh.
Để đảm bảo lưu thông, năm nay, Ban tổ chức không bố trí các điểm kinh doanh tại nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp, các khu vực không an toàn, khu vực sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân động Hương Tích. Cơ quan chức năng chỉ chi phép kinh doanh dịch vụ hàng quán theo sơ đồ đã phê duyệt.
Từ 6h sáng, thuyền chở khách qua Suối Yến luôn trong tình trạng đông cứng.
Thuyền đò không còn chỗ trống.
Trước khi diễn ra lễ hội, nhân dân trong xã Hương Sơn và các hộ kinh doanh dịch vụ khu vực chùa Hương đã được phổ biến về ứng xử văn minh và đảm bảo an toàn vệ sinh, không treo móc các loại thịt ngoài cửa hàng gây phản cảm. Đồng thời, nghiêm cấm các hộ kinh doanh dùng loa đài quảng cáo bán hàng, các điểm cờ bạc trá hình dưới hình thức vui chơi có thưởng…
Để tránh tình trạng thu vé sai quy định, huyện Mỹ Đức đã thông báo quy định về giá vé, theo đó, vé đi đò là 50.000 đồng/người/lượt, vé thắng cảnh là 80.000 đồng/người. Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, huyện đặc biệt quan tâm tới công tác đảm bảo an toàn cho du khách và đảm bảo trật tự an ninh khu vực thắng cảnh chùa Hương.
“Năm nay chúng tôi đã tổ chức đăng ký hơn 4.500 đò, đã quán triệt an toàn giao thông đường thủy đối với những người tham gia chèo đò ở đây, yêu cầu phải có sơn và đảm bảo các yêu cầu về phao cũng như các giỏ đựng rác. Năm nay là năm đầu tiên chúng tôi tổ chức được gọn nhất với 318 gian hàng dịch vụ, tất cả các hộ tham gia kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách ở đây đều ký cam kết đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.”- Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khẳng định.
Bên cạnh đó, Thượng tá Đặng Phúc Vinh, Phó Trưởng Công an huyện Mỹ Đức nhấn mạnh, công tác đảm bảo ANTT, TTATGT mùa lễ hội chùa Hương năm 2019 là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhất là mùa lễ hội năm nay, khu danh thắng Hương Sơn được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt nên đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ điều tra cơ bản, lên danh sách và thành lập 16 chốt trạm từ ngã tư Tế Tiêu đến các chốt trạm trong khu vực di tích chùa Hương, trực 24/24h để tiếp nhận, xử lý tin tố giác tội phạm. Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các tổ liên ngành tuần tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó chú trọng các đối tượng trộm cắp, móc túi… “Công an huyện Mỹ Đức cũng tham mưu, đề xuất BGĐ Công an thành phố chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các quận Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa… chủ động phân luồng điều tiết giao thông tại các tuyến trọng điểm.
Đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an huyện Mỹ Đức trên tuyến từ Tế Tiêu đến cầu Hội Xá đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo thông thoáng, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt kiên quyết xử lý đối với các trường hợp lái đò bám đuổi khách…”, Thượng tá Đặng Phúc Vinh thông tin.
Được biết, trước đó trong mùa lễ hội chùa Hương 2018, các cơ quan chức năng đã phối hợp xử lý 30 trường hợp lái đò sử dụng xe mô tô bám đuổi khách đi chùa Hương gây mất an toàn giao thông, tạm giữ 10 xe mô tô, phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng. Công an huyện Mỹ Đức phát hiện, yêu cầu 17 trường hợp ký cam kết không bám đuổi, chèo kéo khách du lịch chùa Hương. Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, thuộc xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội.
Động Hương Tích kẹt cứng người.
Chùa Hương hay Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Lễ hội chùa Hương diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch hằng năm, đây là một trong những lễ hội lớn nhất Việt Nam, mỗi năm đón khoảng 1,5 triệu lượt du khách trẩy hội.