Ngày 2.2 (mùng 6 Tết), hàng chục nghìn người đã đổ về khai hội chùa Hương. Không giống như lo ngại ban đầu về tình trạng kẹt cứng, tắc đường vì lượng khách đông, các ngã đường đổ về chùa Hương khá thông thoáng. Sự kiện gây chú ý nhất trong buổi sáng khai hội là cảnh cướp lộc ở góc chùa Thiên Trù.
9h, lễ khai hội chùa Hương long trọng diễn ra tại chùa Thiên Trù thu hút hàng nghìn người theo dõi.
Từ 6h ngày mùng 6 Tết (2/2 dương lịch), bến thuyền suối Yến (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) tấp nập đưa người vào chùa Hương.
Theo ban tổ chức lễ hội, riêng trong những ngày trước khai hội, từ đầu năm Đinh Dậu đến nay đã có tới 120.000 khách du lịch đến chùa Hương trẩy hội. Dự kiến trong suốt ba tháng mùa lễ hội năm nay, nơi đây sẽ thu hút khoảng 1,3 đến 1,5 triệu lượt khách đổ về.
Ai cũng giơ tay, mâm đĩa, mũ, nón ngửa ra xin thầy.
9h, lễ khai hội chùa Hương long trọng diễn ra tại chùa Thiên Trù thu hút hàng nghìn người theo dõi.
Ngay sau khi kết thúc lễ khai hội, thầy Trụ phát tặng lộc cho phật tử và du khách có mặt tại sân chùa.
Với mong muốn có được lộc may mắn trong ngày đầu năm đi lễ hội, ai cũng giơ tay, mâm đĩa, mũ, nón ngửa ra xin thầy.
Ban đầu sư thầy tặng tận tay từng du khách, phật tử, đến khi quá đông người không thể chia tiếp lúc này lộc được phát lên không trung, hàng trăm cánh tay cùng vươn ra đón lấy.
Sự thèm muốn, háo hức mong có được lộc may mắn đã khiến cảnh tranh cướp diễn ra ngay tại sân chùa.
Số lượng vòng lộc có hạn mà lượng người mong muốn nhận được lại quá lớn nên những hình ảnh giành giật diễn ra không tránh khỏi.
Cận cảnh lộc cầu may một du khách giành được.
Video hỗn loạn khi tranh lộc tại lễ khai hội chùa Hương
Xem đoạn clip ghi lại cảnh "phát lộc" và "cướp lộc" diễn ra sáng nay ở Lễ khai hội chùa Hương đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, TS Nguyễn Văn Vịnh - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển - thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Đó là hai hành vi khó chấp nhận.
Cụ thể, theo ông Vịnh, tình trạng hỗn loạn trong các nghi thức "cướp lộc" của người Việt đã diễn ra từ lâu và được bàn tới quá nhiều.
"Nhưng với chuyện cướp lộc ở chùa Hương vào sáng nay, mọi thứ dường như được đẩy lên một mức mới.
Trước đây, chuyện cướp lộc, xin lộc, xin dải ấn, hoa tre, quả phết… chỉ diễn ra ở các đình, đền, hoặc trong một số lễ hội dân gian. Còn về bản chất, nhà chùa không phải là nơi để người ta làm chuyện tranh cướp lộc thánh lộc thần. Đó là điều cực kỳ trái với giáo lý nhà Phật.
Đi chùa, về nguyên tắc, là để chúng ta sống thanh sạch hơn, bớt đi những phần "tham, sân, si" trong đáy lòng mình- chứ không phải là để cầu tài cầu lộc như nhiều người cố tình lầm tưởng.
Ít nhất, đã bước chân vào một nơi như chùa Hương, du khách cũng cần hiểu điều ấy, trước khi dẫm đạp tranh cướp nhau như vậy.
Trong truyền thống cũ, mỗi khi lên chùa, có chút lộc như xôi, oản, trái cây được đưa tay, du khách cũng luôn đón nhận với thái độ khiêm cung, điềm đạm, thậm chí đến lượt mình mà hết phần thì thôi. Không ai làm chuyện tranh cướp điên rồ như vậy.
Tất nhiên, đây là câu chuyện xảy ra ngoài ý muốn nhà chùa nếu thực sự nhà sư mặc áo vàng là thuộc chùa Hương. Nhưng thật lòng, lẽ ra phía nhà chùa cũng nên lường trước được tâm lý của đám đông.
Trong một lễ hội quy mô lớn, thu hút hàng vạn lượt khách như chùa Hương, yếu tố an ninh và giữ trật tự, đảm bảo không khí trang nghiệm cần được ưu tiên hơn rất nhiều so với "phát lộc". Thêm vào đó, thẳng thắn mà nói, việc tung lộc cho du khách như vậy là không nên, nếu xét theo tính nghiêm cẩn, trang trọng cần có của nhà chùa".
Trước đó, phát biểu với báo giới, Thượng tọa Thích Minh Hiền khẳng định, Lễ hội chùa Hương không phải là lễ hội du lịch mà là cuộc hành hương trở về thánh tích của nhà Phật.