Ngày mai (14/3), dự kiến đón 3 vạn lượt khách
Chùa Hương đón 2 vạn khách trong ngày mở cửa đầu tiên. Ảnh: Ngọc Tú
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay trong sáng ngày 13/3 nhiều du khách thập phương cũng như phật tử đã đổ về Khu di tích và danh thắng Hương Sơn để dâng lễ, thắp hương và vãn cảnh. Tuy nhiên, do mới là ngày đầu mở cửa đón khách trở lại nên lượng khách không quá đông và không xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy.Theo đó, trong phiên họp giao ban trực tuyến của UBND TP Hà Nội vào ngày 8/3, TP đã đồng ý cho Khu di tích và danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) được phép mở cửa vào ngày 13/3 sau khi phải tạm đóng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị chiều ngày 13/3, Trưởng ban Quản lý Khu di tích và danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết, ngày đầu mở cửa Khu di tích đón tổng 2 vạn lượt khách tới đi lễ cũng như vãn cảnh. “Dự đoán ngày mai sẽ có khoảng 3 vạn lượt khách bởi là ngày Chủ nhật. Hôm nay là ngày đầu mở cửa, người dân sẽ nghe ngóng thêm nên dự kiến lượng khách ngày mai sẽ tăng” – ông Nguyễn Bá Hiển cho biết thêm.
Cũng theo Trưởng ban Quản lý Khu di tích và danh thắng Hương Sơn, nhìn chung ngày đầu mở cửa ổn định, tuy nhiên vẫn còn vấn đề đeo khẩu trang, nhiều người còn chủ quan.
“Trên xe ô tô, chỗ bán vé và các cổng vào chúng tôi đã kiểm tra và 100% đều thực hiện nghiêm, Ban tổ chức tiếp tục tăng cường tuyên truyền, ngày mai sẽ có một đò làm nhiệm vụ tuyên truyền đi dọc suối Yến để nhắc nhở người dân” – ông Nguyễn Bá Hiển nhấn mạnh.
Có thể thấy, ngày đầu mở cửa trở lại đò thuyền di chuyển trong trật tự, người dân xã Hương Sơn vui tươi, phấn khởi vì các hoạt động phục vụ du khách được tổ chức trở lại.
Chủ đò, tiểu thương vui tươi, phấn khởi
Dù lượng người đến chùa Hương trong ngày đầu không quá đông như mọi năm, nhưng vì được mở cửa trở lại nên các tiểu thương và chủ đò phấn khởi vì di tích mở cửa trở lại
Cùng niềm vui với của ông Lai, anh Tuấn Sơn một tiểu thương chuyên bán đồ lễ, đồ hoa quả tại đền Trình chia sẻ: "Chúng tôi nhận tin chùa Hương mở cửa trở lại vui mừng từ mấy ngày trước. Tiểu thương nào cũng tất bật dọn dẹp quầy hàng. Dù 5h sáng 13/3, Ban quản lý mới chính thức cho mở cửa di tích nhưng từ 1h sáng nhiều chủ đò, chủ quầy hàng đã có mặt để chuẩn bị đón khách. Như gia đình tôi cũng đã chuẩn bị xong các đồ hoa quả, đồ lễ để phục vụ người dân về đây trẩy hội".Ngày chùa Hương mở cửa trở lại, đây là niềm vui lớn của người dân khu vực xã Hương Sơn đặc biệt là những người lái đò, các cửa hàng buôn bán. Ông Hoàng Minh Lai (một lái đò chùa Hương) dậy từ 4 giờ sáng ra bến thuyền chuẩn bị đón khách chia sẻ: "Mặc dù hôm nay số đò cập bến Yến chỉ bằng nửa so với mùa cao điểm nhưng ngày chùa Hương mở cửa trở lại đây mới đúng là "Tết" của người dân xã Hương Sơn. Ai nấy đều vui mừng vì được chở khách, buôn bán trở lại".
Chị Nguyễn Thúy Quỳnh (Hà Nội) đến chùa Hương từ 3h sáng chia sẻ: "Gia đình tôi đi chùa Hương có 5 người, có cả người lớn và trẻ em. Gia đình biết chùa Hương mở cửa qua chương trình thời sự và chủ động đi sớm để tránh lúc đông người".
“Những ngày vừa qua chùa Hương đóng cửa mọi người cũng nghỉ bán hàng quán hết. Ai ai cũng mong đợi dịch bệnh được đẩy lùi để người dân yên tâm đi lễ chùa. Chúng tôi được phục vụ nhân dân. Chùa Hương được mở cửa trở lại với người dân xã Hương Sơn chúng tôi giờ mới thực sự là Tết. Việc buôn bán đối với chúng tôi cũng rất quan trọng nhưng không bán lúc này thì bán lúc khác. Quan trọng nhất đó là dịch bệnh không còn thì đó mới là điều vui sướng nhất” - anh Hoàng Chất (tiểu thương tại cổng chùa Thiên Trù bày tỏ).
Chuẩn bị tốt mọi phương án phòng dịch
Ban tổ chức yêu cầu du khách đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vãn cảnh tại di tích
Để hoạt động tham quan, tín ngưỡng được an toàn, UBND huyện Mỹ Đức (BTC Lễ hội chùa Hương) đã xây dựng phương án cụ thể, chi tiết về đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn khi mở cửa trở lại. Đề nghị du khách vui lòng thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Hướng dẫn 5K của Bộ Y tế. Tuyệt đối chấp hành việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế bằng mã QR code và hạn chế tập trung đồng người.
Theo ghi nhận của phóng viên, chùa Hương có đặc thù nhiều đường vào nên tại 3 địa điểm, 3 trạm bán vé, chúng tôi đã yêu cầu khách phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khai báo y tế. Đối với phương tiện đò, thuyền chở khách, Ban tổ chức yêu cầu đảm bảo giãn cách, thuyền nhỏ chở khách dưới 6 người, thuyền lớn dưới 12 người. Trên thuyền, Ban tổ chức đã yêu cầu phải có dung dịch sát khuẩn, khách ngồi theo một chiều, không cười đùa, nói to để đảm bảo an toàn.
Để chuẩn bị tốt cho công tác đón tiếp du khách, nhiều tuần trước khi mở cửa, UBND huyện Mỹ Đức, Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn, đã tuyên truyền về việc không được trở khách bằng xuồng máy, chỉ có phương tiện làm nhiệm vụ của cơ quan chức năng như: Thanh tra giao thông, công an, Ban Tổ chức đi kiểm tra, BQL rừng phòng hộ đặc dụng để phục vụ PCCC rừng được phép sử dụng. Đối với VSATTP, huyện thành lập tổ liên ngành về ATTP tại các cửa hàng dịch vụ, khu trung tâm lễ hội.
“Trong trường hợp khách tập trung quá đông tại các địa điểm và động Hương Tích, chúng tôi có thể dừng cáp treo, điều tiết khách từ từ. Trong sáng nay, khi mở cửa đón khách trở lại, khách đến vẫn chưa nhiều, các đoàn về thăm quan đều chấp hành nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế. Ước tính, chùa Hương sẽ tiếp đón 50 – 60 vạn khách trong những tháng đầu năm” – ông Nguyễn Bá Hiển chia sẻ.
Mặc dù Ban tổ chức đã nỗ lực phòng dịch, mong muốn một mùa hội an toàn vui tươi, nhưng trong ngày đầu mở cửa còn rất nhiều du khách chưa có ý thức đeo khẩu trang khi đi đò, hoặc tại các điểm thờ tự như tại Tam Bảo của chùa Thiên Trù còn nhiều phật tử bỏ khẩu trang khi làm lễ. Nhiều du khách còn bị Ban tổ chức nhắc nhở vì không sát khuẩn, đeo khẩu trang và giãn cách. Theo ông Hiển, trong những ngày tới, Ban tổ chức sẽ tăng cường lực lượng bảo vệ để thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền cho du khách.