“Hiện tượng ép giá, ép khách, vòi xin tiền đi đò của du khách là vấn đề đã xử lý nhiều năm. Đến giờ vẫn còn nhưng rất ít. Chúng tôi thừa nhận tình trạng xin lộc đầu xuân của khách đi xuồng đò là vẫn còn, thấy khách vui vẻ thì xin.
Nhưng tất cả các trường hợp ép khách, vòi tiền của du khách là phải loại bỏ. Số điện thoại đường dây nóng để phản ánh việc này là số điện thoại của tôi và số điện thoại của trưởng ban quản lý di tích có in trên các thông tin về chùa Hương phát cho du khách” ông Hậu cho hay.
Nhiều năm nay, Lễ hội chùa Hương luôn gây bức xúc cho du khách vì hay "vòi tiền" du khách (ảnh minh họa, nguồn Internet)
Ông Hậu cũng cho biết điểm mới trong tổ chức lễ hội chùa Hương 2017 là miễn phí vệ sinh đối với du khách:
“Trước kia các nhà vệ sinh tại chùa Hương đều có thu tiền. Năm nay từ nhà vệ sinh của dân, của ban tổ chức, của nhà chùa đều miễn phí với du khách. Miễn phí nhưng vẫn đảm bảo sạch sẽ. Nghe thì đơn giản nhưng chi phí cho một nhà vệ sinh ở trên núi là rất tốn kém, nước sạch ở trên núi giá 600.000 đ/m3 nước, còn phải thêm chi phí hoá chất, xử lý... nhưng chúng tôi quyết tâm miễn phí hết."
Cũng theo ông Hậu, năm nay tất cả xuồng đò đều phải có phao cứu sinh.
“Chúng tôi đã họp với dân rồi, đã dẫn chứng những vụ tai nạn đường thuỷ lớn và người dân đều đồng tình. Xuồng nào không có phao cứu sinh không cho hoạt động. Ngay cả xuồng máy năm nay cũng hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương cam kết xử lý nghiêm các trường hợp vòi tiền bồi dưỡng của du khách đi xuồng đò.
Các cơ quan sử dụng xuồng máy như điện, y tế, phòng hộ rừng, công an, thanh tra khi sử dụng xuồng máy phải mặc trang phục của ngành để cho thấy đi làm việc. Còn khách mời của BTC thì mời đi xuồng đò cùng du khách”.
Về vấn đề bày bán thực phẩm, thịt động vật gây phản cảm, ông Hậu khẳng định năm 2017 không còn quán bán thịt động vật hoang dã.
“Chắc chắn không có quán nào bày bán thịt cầy vòi (một loại thú rừng có tên trong sách đỏ). Thịt lợn rừng, nhím, đà điểu thì cũng có, do các nơi nuôi đưa về. Khách hỏi thì chủ quán hay trả lời là đồ rừng xịn, nhưng thực chất đó là đồ nuôi. ”
Để đảm bảo an ninh trật tự cho du khách, huyện Mỹ Đức đã làm việc với công an thành phố và thống nhất kế hoạch bố trí 200 công an làm nhiệm vụ tại chùa Hương trong suốt 3 tháng lễ hội.
Kinh nghiệm khi đi đò ở lễ hội chùa Hương
Có rất nhiều cò đò bám theo mời chào bắt khách ở khu vực chùa thậm chí cách xa chùa 20km, bạn không nên đi theo cò đò vì giá vé sẽ bị chặt chém rất cao, hãy mua vé ở cổng hội, hoặc trực tiếp vào khu vực Suối Yến liên hệ với các nhà đò quanh bến.
Vào dịp lễ hội đông đúc, các nhà đò thường nhồi nhét thêm khách lên đò, để tránh bị tăng tiền, cũng như nhét thêm người, bạn nên thỏa thuận rõ ràng số tiền cũng như số lượng khách tối đa ngồi đò.
Đặc biệt, bạn phải chú ý an toàn khi ngồi đò.
Những lưu ý khi mua sắm
Có rất nhiều đồ lưu niệm và đặc sản bạn có thể mua về làm quà cho bạn bè khi đi chùa Hương như vòng tay, vòng cổ, gương lược, chè củ mài, mơ quả, rau sắng... nhưng không phải mặt hàng nào được bày bán cũng là hàng có chất lượng tốt, khi mua hãy hỏi giá cả cụ thể, kiểm tra đúng tên sản phẩm, số lượng, chất lượng đặc biệt trong mùa lễ hội, bạn hãy hết sức chú ý khi quyết định mua hàng.
Dọc đường lên động Hương Tích cũng có rất nhiều hàng bán thuốc nam chữa bách bệnh, tuy nhiên các bài thuốc này thường không rõ nguồn gốc vậy nên hãy cẩn trọng.