Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, UBND TP.Hà Nội và Tổng thầu Trung Quốc đã đề xuất kết thúc chạy thử dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào cuối quý 1/2019, chính thức đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến từ tháng 4.
Trước khi chạy chính thức, toàn tuyến sẽ được đánh giá an toàn tổng thể từ Cục Đăng kiểm Việt Nam và một đơn vị đánh giá độc lập được thuê từ Pháp. Dự án không còn vướng mắc và chỉ còn khoảng 4% khối lượng thi công liên quan tới một số hạng mục thô như đường dẫn, bên trong nhà chờ...
"Sau khi kết thúc chạy thử, tổng thầu sẽ căn chỉnh trước khi được nghiệm thu, tiếp nhận và bàn giao cho TP.Hà Nội quản lý, khai thác thương mại. Giai đoạn đầu có thể thí điểm cho người dân sử dụng nhưng chưa thu phí”, ông Đông cho biết.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại từ tháng 4/2019.
Hiện Hà Nội đã có quy hoạch các điểm đỗ xe, cây xanh, kết nối xe buýt tại các khu vực nhà ga, depot, nhưng chưa triển khai cụ thể, do vướng một số điểm giải phóng mặt bằng. Với năng lực của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 114 chuyến/ngày với 960 hành khách/chuyến. Như vậy sẽ có khoảng 160.000 - 180.000 hành khách/ngày, gấp 10 lần xe bus nhanh BRT, do đó thành phố sẽ phải có phương án giải tỏa nhanh lượng hành khách xuống tại các nhà ga và tiếp cận nhà ga.
Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng cho biết đã trình lên UBND TP Hà Nội 2 phương án giá vé cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong đó ưu tiên phương án với bình quân hành khách đi 5 - 6 km, giá vé 10.000 đồng; nếu đi cự ly ngắn thì giá vé sẽ giảm còn đi cự ly dài hơn thì tăng thêm.
Mức vé này được trợ giá của nhà nước, nhằm mục đích thu hút người dân từ sử dụng phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng. Phương án giá vé đang được các sở ngành của Hà Nội thẩm định trước khi thành phố ban hành.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án do chủ thầu Trung Quốc thực hiện. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD(trong đó gồm nguồn vốn chính phủ kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc).
Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức được triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).
Từ 20/9/2018, dự án này đã chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu, tốc độ trung bình là 35 km/giờ. Lãnh đạo Bộ Giao thông yêu cầu dự án vận hành thương mại vào trước Tết nguyên đán 2019 song mốc này không thực hiện được.