Ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết theo tin từ Đài khí tượng thủy văn thì bão đã vào bờ ở khu vực Hòn Bà (mũi Nghinh Phong, TP Vũng Tàu).
Hiện toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mưa rất lớn, gió giật mạnh cấp 8,9.gió mạnh, cây cối ngã đổ ở nhiều nơi.
Sóng biển tại TP Vũng Tàu đang dâng cao trên 3m, có tàu cá công suất nhỏ của ngư dân đã bị chìm tại khu vực Bãi Trước ngay thời điểm bão đổ vào. Trên nhiều tuyến đường như Thùy Vân, Lê Hồng Phong đã có tình trạng cây bị gãy đổ.
Bình Thuận đã có những thiệt hại đầu tiên do bão số 9:
Tàu bị hỏng do va đập ở cảng Phú Quý.
+ Tại đảo Phú Quý có một tàu công suất 707 Cv bị hư hỏng và 1 chiếc xuồng 20 Cv bị chìm.
+ Tại huyện Tuy Phong 1 lồng bè có 8.000 con cá bị đứt neo trôi ra biển, ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng.
+ Tại TP Phan Thiết: Sạt lở 3 km bờ biển tại phường Hàm Tiến khiến 7 tàu cá bị cuốn trôi, 2 nhà dân có nguy cơ sập, 15 thuyền bị hư hỏng do bị sóng đánh va vào nhau. Tại phường Thanh Hải có 8 ngôi nhà bị sập, hư hỏng do sạt lở bờ biển.
Ông Nguyễn Huy Chiến - Trưởng phòng hợp tác quốc tế, Cục Kiểm ngư (Tổng cục thuỷ sản) cho biết, hiện có 1 tàu cá BV-97877-TS với 8 người trên tàu (trong đó có 3 cán bộ nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu hải sản) bị mất liên lạc vào lúc 22h ngày 23/11, địa điểm cách mũi Cà Mau 80 hải lý về phía Tây Nam. Thông tin cuối cùng về tàu là đang ở ngoài vùng ảnh hưởng của bão, giáp danh vùng biển Malaysia. Hiện các lực lượng chức nắng đang phối hợp tìm kiếm.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, do ảnh hưởng của bão, có 1 số chuyến bay bị huỷ và bị chậm. Các chuyến bay về TP Hồ Chí Minh hiện vẫn diễn ra bình thường.
Đường sắt Bắc - Nam tê liệt vì nước cuốn trôi đường ray
Do ảnh hưởng của bão số 9, mưa lũ từ tối qua (24/11) đã làm ngập, cuốn trôi đường ray ở tỉnh Ninh Thuận khiến giao thông đường sắt bị đứt mạch.
Nước lũ cuốn làm hư hỏng nặng hệ thống đường sắt.
Tối qua đường sắt qua Ninh Thuận từ km 1382+600 - km 1383+300 khu gian Kà rôm - Phước Nhơn, nước ngập quá đỉnh ray 300mm, trôi nền đường, nền đá hai cầu ray, phải phong tỏa khu gian, không cho tàu qua bắt đầu từ 22h10. Nặng nhất là nền đường đoạn km 1382+775 - km 1382+795 dài 20m và km 1382+822 - km1382+842 dài 20m bị trôi sâu tới 1,8m, khiến đường ray bị treo lơ lửng.
Cùng đó, đất đá tràn vào đường sắt km 1306+100 - 1306+450, phải phong tỏa khu gian Lương Sơn - Nha Trang lúc 21h30. Đến sáng nay, đường sắt qua khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng, hư hỏng do bão.
Đường sắt hư hỏng đã làm nhiều chuyến tàu bị ách tắc. Ngành Đường sắt sẽ thực hiện chuyển tải các đoàn tàu đang nằm chờ đường ở các ga trong khu vực như SE1, SE2, SE10... với cả nghìn hành khách. Hiện công tác cứu chữa cũng đang gặp nhiều khó khăn do mưa lũ.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 9, ở Phan Thiết, Vũng Tàu đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho khu vực Trung Bộ (200-300mm). Trong 3 giờ qua, bão số 9 hầu như ít di chuyển và có cường độ suy giảm.
Đường đi của bão số 9.
Hồi 10 giờ ngày 25/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90km.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, như vậy trưa nay sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 25/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Cam-pu-chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày và đêm nay (25/11) có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8 giật cấp 10. Biển động mạnh. Sóng trên biển cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão cao 4-5m. Ven biển từ Vũng Tàu tới Cà Mau đề phòng nước biển dâng cao do triều cường kết hợp với nước dâng do bão. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió giật cấp 6-7. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100mm.
Từ đêm nay (25/11) đến đêm 27/11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).
Cảnh báo lũ: Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.
Thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ:
Tại cuộc họp giao ban ứng phó với bão số 9, sáng 25/11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng của bão tiếp tục thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về ứng phó với bão số 9 và mưa lũ; thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, quản lý chặt chẽ tàu thuyền, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền và các lồng bè, chòi canh; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; kịp thời ứng phó với các tình huống.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, căn cứ vào tình hình thực tiễn của bão để chủ động ứng phó, mưa lũ sau bão. Đối với các tỉnh Trung bộ và Tây Nguyên chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mưa, lũ, ngập lụt và đảm bảo an toàn hồ chứa.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác kiểm tra, phối hợp trong ứng phó với bão. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải theo dõi, giám sát các địa phương, các đơn vị liên quan để có phương án ứng phó và đảm bảo an toàn cho hành khách. Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan sẵn sàng ứng phó và kiểm tra ngay hệ thống thông tin liên lạc ở khu vực các hồ thuỷ điện.
Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra phương án ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, hồ đầy nước, chuẩn bị xả, hạ du các hồ chứa có nguy cơ; ứng trực 24/24 giờ tại các hồ xung yếu, theo dõi chặt chẽ, đôn đốc các địa phương và các chủ hồ chủ động các biện pháp ứng phó, tham mưu kịp thời.
Các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường sự phối hợp với các cơ quan liên qun trong việc tuyên truyền, đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình, công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tăng cường cán bộ, phương tiện để nâng cao hiệu quả công tác trực ban, tham mưu ứng phó với bão, mưa lũ.