Hình ảnh gốc bản đồ vị trí các ga tàu do chính Sơn vẽ sau đó tải lên mạng xã hội nhằm mục đình minh họa cho bài viết “Dự án đường sắt đô thị Hà Nội” - Ảnh tác giả cung cấp |
Ngày 1/6, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh việc Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT, Chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh – Hà Đông, đã sử dụng bản đồ vị trí các ga tàu của một sinh viên tự vẽ để trưng bày tại nhà ga mẫu La Khê.
Đại diện Ban QLDA lý giải hành động này là: “Để mô tả trực quan cho người dân dễ hiểu… chúng tôi có sử dụng hình ảnh bản đồ duỗi thẳng 8 tuyến đường sắt đô thị mô phỏng theo bản đồ quy hoạch giao thông ĐSĐT được duyệt cho TP Hà Nội. Hình ảnh này rất rõ ràng, trực quan được chúng tôi khai thác từ mạng internet…”
Đơn vị này cũng khẳng định việc sử dụng bản đồ của người khác “chỉ duy nhất với mong muốn để người dân có cái nhìn tổng quan nhất về tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông trong mạng giao thông ĐSĐT tổng thể của TP và không sử dụng vào bất cứ một mục đích thương mại nào”.
Tuy nhiên, dư luận tỏ ra rất bức xúc vì 2 lẽ: Thứ nhất, sao một dự án lớn như ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông mà khi trưng bày lại phải sử dụng bản đồ của một sinh viên không làm việc tại dự án, không liên quan gì đến quá trình thiết kế, thi công; thứ hai, việc lấy lại, sử dụng bản đồ mà không được sự chấp thuận của tác giả đã khiến dư luận nảy sinh nhiều ý kiến tiêu cực về Chủ đầu tư cũng như Tổng thầu. Ông Lê Hữu Công (Hà Đông) đặt câu hỏi: “Hay bản đồ thực của các đơn vị thiết kế, thi công có vấn đề gì không muốn người dân thấy nên phải dùng tạm của một sinh viên?”.
Sau khi sự việc bị phát hiện, Ban QLDA Đường sắt đã lên tiếng: “Qua thông tin báo chí chúng tôi mong muốn và sẵn sàng trao đổi, làm việc trực tiếp với tác giả. Trong trường hợp tác giả không đồng ý thì chúng tôi sẽ dỡ bỏ và thay thế bằng bản đồ minh họa khác để phục vụ người dân”.
Một lần nữa cách trả lời này lại khiến người dân bức xúc. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Thanh Xuân) cho rằng: “Ban QLDA làm sai thì phải gặp tác giả để xin lỗi, không thể thể ngồi nhờ báo chí thông tin để tác giả đến trao đổi. Sử dụng sản phẩm của người khác rồi nói đơn giản như thế là khó chấp nhận.”