Lý giải về đề xuất này, ông Hiểu chia sẻ: Mức bình quân ngày nghỉ lễ, Tết trong năm của các nước Đông Nam Á là khoảng 16-17 ngày, trong khi Việt Nam chỉ là 11 ngày. Riêng Trung Quốc, dịp Quốc khánh, người lao động được nghỉ đến 7 ngày. Từ thực tế có thể thấy, dư địa để tăng số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm của Việt Nam vẫn còn.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Lý giải việc lựa chọn đề xuất tăng ngày nghỉ Quốc khánh 2/9, thay vì kéo dài dịp Tết Nguyên đán, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, dịp Tết, người lao động đã được nghỉ dài ngày. Vì vậy, đơn vị này mong muốn được tăng số ngày nghỉ Quốc khánh 2/9, để giãn khoảng thời gian nghỉ trong năm, gần như hơn 1 quý là có một dịp nghỉ.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là cơ hội cho công nhân được về thăm gia đình, đưa con đi chơi trước khi bắt đầu năm học mới.
"Vì vậy, chúng tôi theo đuổi phương án nghỉ Quốc khánh dài hơn, đặc biệt nghỉ đúng dịp khai giảng năm học, để công nhân được đưa con đến trường", ông Hiểu cho biết.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất về việc tăng số ngày nghỉ Quốc khánh 2/9.
Trước đó, gửi kiến nghị đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (tháng 12/2023), đoàn viên đề xuất nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hàng năm vào thời điểm thích hợp, vì số ngày nghỉ của Việt Nam hiện thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới 5-6 ngày.
Cụ thể, người lao động mong bổ sung 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, để kéo dài dịp nghỉ từ 2/9 đến hết ngày 5/9, tạo cơ hội cho công nhân, lao động được đưa con đến trường trong ngày khai giảng.