Như Tieudung.vn đã thông tin trong các bài viết, Cấp phép xây dựng trên đất nghĩa trang – bài 1: “Cướp nhà” người chết công khai (ngày 27/6), và bài 2: UBND quận Tân Bình lấy “nhà” của người chết cấp cho người sống (ngày 28/6), loạt bài viết đã phản ánh chân thật tình trạng xây dựng nhà ở trái phép đang diễn ra một cách công khai tại khu vực đất nghĩa trang thuộc phường 15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Giấy phép xây dựng được UBND quận Tân Bình cấp trên đất nghĩa trang. |
Theo tìm hiểu của PV, ngoài hơn 40 căn nhà xây dựng trái phép, thì có 1 căn được chính UBND quận Tân Bình cấp phép xây dựng, hành vi “ưu ái” khó hiểu này của chính quyền quận Tân Bình đã gây ra những làn sóng bất bình, hoài nghi trong cộng đồng cư dân sống lâu đời ở xung quanh khu vực nghĩa trang.
Bà N.T.A, một hộ dân sống lâu đời trong khu vực bức xúc: “Khu đất này vốn là đất nghĩa trang tự phát, dân đen như chúng tôi còn hiểu được đạo lý đất của người chết thì người sống không được đụng vào, đó không chỉ là vấn đề tâm linh, mà còn là vấn đề luật pháp. Người ta chết rồi, nằm xuống đó có biết gì nữa đâu, mình là người sống không xây nhà chỗ này thì xây chỗ khác, thiếu gì. Thậm chí, khổ quá thì đi thuê nhà trọ mà ở, hà cớ gì bốc dỡ mộ trái pháp luật người ta lên rồi lấy đất xây nhà cho mình. Chưa kể, việc bốc dỡ mộ còn kéo theo hàng đống thứ khác, nào là vệ sinh môi trường, nào là mầm bệnh, dịch bệnh…cuối cùng thì vẫn là người dân sống xung quanh gánh hết”.
|
Ngắt lời bà A, anh T, một hộ buôn bán nhỏ lẻ tại khu vực này lên tiếng: “Có nhiều trường hợp lấn chiếm, tranh giành đất, cất nhà gây mất an ninh trật tự trong khu vực. Hàng chục căn nhà đã được xây dựng không phép ở đây đủ loại cả tạm bợ lẫn kiên cố nhiều năm qua mà không bị chính quyền quận Tân Bình xử lý. Gần đây UBND quận Tân Bình đã cấp phép xây dựng cho một trường hợp nhà xây cao lên đến 4 tầng lầu, và đang là căn nhà mới nhất đẹp nhất trong khu này, nghe bảo chủ nhà không dùng để ở mà đang cho nhiều người khác thuê lại. Chả hiểu sao đất nghĩa trang mà lại được chính quyền địa phương cấp phép dễ dàng như thế…?”.
Vậy câu hỏi đặt ra là, ai đã cho phép người dân tự ý mua bán đất nghĩa trang để xây dựng nhà ở? Sự việc đã diễn ra hàng chục năm qua một cách công khai vì sao chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp ngăn chặn? Vì sao Phó Chủ tịch quận Tân Bình, ông Châu Minh Hiếu lại đặt bút ký giấy phép xây dựng cho ông Vũ Đình Kỳ vào ngày 27/08/2018, tiếp tay cho ông Kỳ ngang nhiên xây dựng một căn nhà kiên cố (1 lững, 3 tầng lầu, và sân thượng) trên đất nghĩa trang?...
Nhiều ngôi nhà mọc lên bất chấp xung quanh vẫn còn hiện hữu những ngôi mộ. |
Để có những thông tin chính xác nhất về vụ việc, ngày 25/6, PV Báo Kinh tế & Đô thị đã liên hệ làm việc với UBND quận Tân Bình (387A, đường Trường Chinh, phường 13, quận Tân Bình) để xác minh tính chất pháp lý của giấy phép xây dựng số 18.2059/GPXD, được UBND quận Tân Bình cấp ngày 27/08/2018 cho việc xây dựng nhà ở trong khu đất nghĩa trang thuộc phường 15, quận Tân Bình.
Tại đây, PV lần lượt được 3 người phụ trách khác nhau của quận tiếp chuyện, tuy nhiên những vị này từ chối đưa ra câu trả lời. Cuối cùng, một đại diện (thuộc Ban tiếp dân) yêu cầu PV cần hỏi gì cứ gửi câu hỏi qua Email công vụ do vị này cung cấp. Tuy nhiên, đến nay đã 5 ngày trôi qua, PV vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía UBND quận Tân Bình.
|
Đến ngày 27/6, PV tiếp tục tìm đến UBND phường 15, quận Tân Bình (288 đường Trường Chinh) để liên hệ làm việc về tình trạng bốc mộ bừa bãi, xây nhà không phép trên đất nghĩa trang thì nhận được thông báo người phụ trách đi họp, không có ai đại diện trả lời.
Việc tiếp nhận thông tin phản ánh và cung cấp thông tin trên địa bàn phường, quận cho cơ quan ngôn luận là trách nhiệm của người đứng đầu UBND hoặc người được uỷ quyền. Vì sao chính quyền phường 15 và quận Tân Bình lại chậm trễ, thậm chí là tìm cách né tránh việc cung cấp thông tin nóng xảy ra trên địa bàn cho báo chí theo đúng Luật Báo chí? Phải chăng là lãnh đạo UBND phường 15, và lãnh đạo UBND quận Tân Bình đang bị “khó xử”, nên chưa thể đưa ra câu trả lời cho báo chí, hay có gì “bất thường” xung quanh sự việc xây nhà trái phép và cấp giấy phép xây dựng trên đất nghĩa trang mà Tieudung.vn đã phản ánh.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc xác minh vụ việc, sớm an lòng dân tránh để xảy ra những bức xúc lớn hơn trong dư luận.
Luật báo chí số 103/2016/QH13 quy định: Tại Mục II, Điều 38. Cung cấp thông tin cho báo chí. 1. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin. Nghị định quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản năm 2017. Theo Chương II, Điều 9. Vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí. 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân; b) Không thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định; c) Thực hiện không đúng quy định về thời hạn thông báo hoặc thời hạn đăng, phát, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo hoặc có yêu cầu. |