![]() |
Bà Nguyễn Mai Phương (bên trái) và Trương Hồ Phương Nga (bên phải). |
Như vậy, việc cách ly nhân vật được đặc biệt quan tâm này có đúng qui định pháp luật hay không?
Trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, khái niệm “cách ly” chỉ được đưa vào văn bản luật duy nhất một lần và không có văn bản nào khác hướng dẫn. “Cách ly” được qui định tại Khoản 1 Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, như sau “Hội đồng xét xử phải hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Trong trường hợp này, bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó”.
Căn cứ điều luật đã dẫn, tôi cho rằng, cách ly chỉ áp dụng đối với bị cáo tại phiên tòa để nhằm mục đích tránh các bị cáo thông cung.
Hay nói cách khác, ngoài bị cáo ra, pháp luật không điều chỉnh việc thực hiện cách ly những người tham gia tố tụng khác như: bị hại, người liên quan, người làm chứng…
Đối với người tham gia phiên tòa trong trường hợp tòa triệu tập, bà Nguyễn Mai Phương với tư cách người làm chứng, họ có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác, đồng thời họ có nghĩa vụ có mặt tại phiên tòa khi cần thiết (Điều 55 BLTTHS).
Khái niệm “có mặt” tại phiên tòa trong phần nghĩa vụ người làm chứng cần phải được hiểu một cách thông thường rằng, họ không thể đến rồi “giấu mặt”. Lời khai của người làm chứng phải được Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, các luật sư đánh giá về mặt chứng cứ. Nhằm để chứng cứ được đánh giá một cách khách quan, lời khai người làm chứng phải được đánh giá cả nội dung lẫn thái độ khai báo.
Thái độ thể hiện lời khai ảnh hưởng đến độ tin cậy của người làm chứng. Điều này phù hợp với thủ tục người làm chứng buộc phải cam kết khai báo trung thực trước khi trình bày lời khai tại phiên tòa.
Người làm chứng tại phiên tòa hình sự không thể vì các lý do yêu cầu bảo vệ hoặc hình ảnh bị truyền thông sử dụng mà đưa vào cách ly. Những lý do đó đã có pháp luật khác điều chỉnh.
Vì vậy tôi cho rằng, cách ly “người bí ẩn” Nguyễn Mai Phương tại phiên tòa là không phù hợp pháp luật.
Luật sư Trần Đình Dũng
(Trung tâm TVPL TP Hồ Chí Minh – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam)