Người này giữ một “bí mật” liên quan đến việc tìm ra sự thật của câu chuyện Cao Toàn Mỹ - Phương Nga. Đó là bà Nguyễn Mai Phương (xin không nhầm lẫn với mẹ của Hoa hậu Phương Nga là bà Hồ Mai Phương), người được viện kiểm sát xác định tư cách tố tụng là nhân chứng trong vụ án hình sự.
Bị cáo Trương Hồ Phương Nga (đầu tiên bên trái) cùng đồng phạm Nguyễn Đức Thùy Dung tại phiên tòa ngày 23/6. Ảnh: Sông Hương |
Cả hai bị cáo Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung đều khai trước tòa rằng lời khai trước đây không đúng sự thật và khai theo hướng dẫn của bà Nguyễn Mai Phương, thậm chí chép lại theo tờ giấy A4 bà Phương đưa cho.
Ngay phần bắt đầu phiên tòa các luật sư bào chữa đã đề nghị phải có mặt nhân chứng bí ẩn này nhưng Hội đồng xét xử khước từ việc dẫn giải với lý do “nhân chứng đã có lời khai rõ rằng nên sự vắng mặt của họ không làm ảnh hưởng tới phiên xử”. Đây là lý do hoàn toàn phù hợp với pháp luật tố tụng hình sự đối với tư cách nhân chứng.
Tuy nhiên xét dưới góc độ khác, do các bị cáo cùng tố cáo bà Nguyễn Mai Phương tham gia mớm cung theo kiểu “khai theo hướng dẫn của bà Phương, bà Phương đưa tờ giấy chép nội dung sẵn để bị cáo ghi lại”, thì rõ ràng “người bí ẩn” này không còn nằm ở khuôn khổ của nhân chứng mà đã ở một vị trí khác là người có hành vi xâm phạm hoat động tư pháp.
Nếu lời khai của bị cáo về việc bị “dụ dỗ” khai tại cơ quan điều tra là đúng sự thật thì có thể dẫn đến điều tra viên phạm tội bức cung qui định tại Điều 299 BLHS “Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Khi đó con người bí ẩn được nhắc nhiều trong mấy ngày qua Nguyễn Mai Phương sẽ cùng phạm tội với vai trò đồng phạm.
Có thể nói, sự có mặt của bà Nguyễn Mai Phương tại phiên tòa là cần thiết nhằm làm rõ có dấu hiệu tội phạm của tội bức cung hay không. Trong đó chính “người bí ẩn” này là đối tượng nghi vấn, chứ không phải với tư cách nhân chứng.
Tố giác hành vi phạm tội là nghĩa vụ của mọi công dân. Tôi cho rằng ở góc độ pháp lý này, cần phải đưa bà Nguyễn Mai Phương có mặt tại phiên tòa để làm rõ.
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được hướng dẫn liệt kê tại Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27.8.2010. Trong đó Điểm n Khoản 2 Điều 4 nêu rõ nhằm để xác định có việc mớm cung, bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật. Như vậy nếu không có mặt của người bị tố cáo tại phiên tòa để làm rõ hành vi bức cung là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Ở đây chúng ta cần lưu ý, cơ quan tiến hành tố tụng trước đó chỉ lấy lời khai của bà Nguyễn Mai Phương đưa vào hồ sơ là với tư cách nhân chứng chứ không phải người có hành vi có thể dẫn đến phạm tội bức cung.
Tôi cho rằng, trong trường hợp này, thậm chi nếu các luật sư không đề nghị thì Hội đồng xét xử vẫn phải đưa bà Nguyễn Mai Phương tham gia phiên tòa nhằm thẩm vấn làm rõ có hay không hành vi bức cung.
Luật sư Trần Đình Dũng
(Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP Hồ Chí Minh – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam)