![]() |
Rộng nhưng bất tiện, xe máy chạy ngược chiều vì không có lối vào đường Hồng Hà - Ảnh: Bình Nguyễn |
Đến hôm nay 24/6, các hạng mục xây dựng về cơ bản đều đã được đơn vị thi công hoàn thành. Công trình cầu vượt đang đi vào giai đoạn cuối chuẩn bị thông xe vào đầu tháng 7. Các nhánh đường và hướng lưu thông đang được tráng nhựa, trồng cây và phân làn. Tuy nhiên theo như chúng tôi nhận thấy, việc phân hướng làn đường ở đây có những điểm bất cập, mà không phải do thiếu diện tích mặt bằng.
![]() |
Những nút thắt cổ chai có nguy cơ gây tắc nghẽn giao thông toàn tuyến đường Trường Sơn - Ảnh: Bình Nguyễn |
Đường Trường Sơn hướng vào sân bay sau khi chia sẻ chiều rộng để làm cầu vượt thì bị thu nhỏ lại còn 2 làn xe hỗn hợp. Ở dưới gầm cầu vượt hiện có 1 chỗ cắt quay đầu và để cho làn xe từ phía sân bay quốc nội đi sang. Tuy nhiên chỗ giao cắt gầm cầu này khá hẹp, khoảng 10m, (dù hoàn toàn có thể mở rộng hơn) rất khó để có thể chịu nổi lưu lượng xe quá lớn. Chỉ cần chậm thoát qua 1 phút là cả tuyến đường Trường Sơn sẽ bị ách tắc ngay vị trí này, do phần đường thắt nút quá hẹp.
![]() |
Điểm quay đầu ở gầm cầu rất hẹp khó chịu đựng nổi tất cả các xe đổ dồn về đây quay đầu - Ảnh: Bình Nguyễn |
Anh P. một người xe ôm thường xuyên ngồi tại ngã rẽ này cho biết: “Đường mới nhìn có vẻ rộng và đẹp đấy nhưng khó đi, do cách phân luồng và biển cấm, nhất là những người không phải ở đây. Ví dụ như toà nhà Airport Plaza kia, nhìn thấy trước mắt rồi nhưng không dễ đến được.”
Đoạn cuối đường Trường Sơn tất cả các xe đều phải rẽ vào Hồng Hà. Ở đây các nhà thiết kế đã lại mở ra một lối quay đầu sang bên đường Bạch Đằng lớn để quay vào sân bay quốc tế, hoặc quay lại đường Trường Sơn. Đáng chú ý là đoạn rẽ này cũng được thiết kế rất nhỏ, tạo thêm một nút thắt cổ chai, nếu 2 chiếc xe du lịch đi song song là chật cứng, trong khi vườn hoa thì quá rộng.
![]() |
Lối rẽ quay đầu từ đường Hồng Hà qua đường Bạch Đằng rất nhỏ, chỉ vừa đủ 2 xe ô tô - Ảnh: Bình Nguyễn |
Lối rẽ này không cho phép các phương tiện giao thông có thể đi qua tiếp đường Bạch Đằng nhỏ phía sát sân bay, nơi tập trung rất nhiều cơ quan, văn phòng, và khu dân cư - khiến khu vực này gần như bị cô lập và rất khó tiếp cận, buộc phải đi xa hết một phần chiều dài tuyến đường rồi mới rẽ sang từ đường Hồng Hà để vào. Dù ở sát sân bay nhưng nếu đi ô tô từ đường này cũng bị cấm không cho rẽ sang trục chính để vào sân bay dù không có vướng mắc và diện tích mặt đường còn đủ rộng cho một bùng binh vừa phải.
Buổi tối, cánh tài xế taxi của Vinasun cử người quan sát, nếu không có CSGT chốt trực tại đây thì báo hiệu cho cả hàng trăm xe taxi chiếm hết toàn bộ chiều ngang con đường để vượt bảng cấm đi vào sân bay. Điều này diễn ra hàng đêm với số lượng lớn, vào khoảng 20h30’, chẳng lẽ các Đội CSGT Tân Sơn Nhất và CSGT Quận Tân Bình không biết?
![]() |
Các xe taxi dàn ngang bất chấp biển cấm để đi vào sân bay trên đường Bạch Đằng nhỏ - Ảnh: Bình Nguyễn |
Thêm một điểm cô lập nữa khi mà các xe muốn đi sang tuyến đường Hồng Hà và vào các khu vực Yên Thế, Lam Sơn là không có đường vào, buộc phải vòng rất xa lên phía lối rẽ gầm cầu vượt đường Trường Sơn – cái mà như đã nói ở trên – rất nhỏ gây nguy cơ tắc nghẽn cao. Hiện nay vào giờ đi làm, các phương tiện xe máy hoặc là lén lút chạy ngược chiều ở đoạn Yên Thế, hoặc leo lên vỉa hè cấm xe để đi sang đường Hồng Hà, gây nên cảnh gai mắt rất phản cảm.
Anh T. nhân viên công ty Dịch vụ Công ích mới xuống hỗ trợ giao thông tại đây nói: “Lưu lượng xe ở đây rất đông, từ sáng đến tối không ngớt, nhưng nguy cơ tắc đường có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên công việc bọn em khá căng thẳng”.
![]() |
Từ đường Bạch Đằng lớn, Bạch Đằng nhỏ muốn sang đường Hồng Hà chỉ có thể leo lên lề đường - Ảnh: Bình Nguyễn |
![]() |
Các đường rộng nhưng ít chỗ quay lại, nếu đi sai, phải lặp lại hành trình từ xa và khá vất vả - Ảnh: Bình Nguyễn |
Và ngay chiều hôm qua 23-6, trời không mưa gió, không ngập, chỉ là giờ tan tầm, thì việc kẹt xe đã lại diễn ra vô cùng trầm trọng, làm tắc đường vào sân bay. Các hành khách lại phải bỏ xe để chạy bộ. Nếu các nhà quy hoạch không nhận ra rõ các điểu bất cập này, thì e rằng xây xong cầu vượt tốn hàng trăm tỷ đồng, cũng không ngăn được việc ách tắc giao thông tại khu vực.
![]() |
Kẹt xe tối 23-6 do lưu lượng xe đông và cách phân làn định tuyến không khoa học là nguy cơ có thật - Ảnh: Infonet |
Lòng đường rộng, nhưng các chỗ quay đầu lại rất nhỏ, trong khi dồn diện tích cho các bồn hoa rất không cần thiết. Nên chăng các nhà thiết kế quy hoạch cần đi sâu sát hơn xuống tất cả các khu vực cơ quan, dân cư tại đây để tìm ra những cách thức khoa học nhất mang lại sự thuận tiện cho giao thông, tránh dồn cục gây tắc đường. Trong khi công trình còn đang làm chưa hoàn thành thì vẫn còn chỉnh sửa dễ dàng. Để đến khi mọi thứ đã khánh thành rồi mới rút kinh nghiệm và chỉnh sửa thì e không được hay cho lắm.
![]() |
Còn đủ rộng và đủ thời gian cho những chỉnh sửa kịp thời và khoa học - Ảnh: Bình Nguyễn |