Hàng loạt sai phạm nêu trên của PKĐK Tâm Đức, trụ sở trên đường Phú Riềng Đỏ (P.Tân Xuân, TX.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), đã được ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam khẳng định tại buổi họp báo ngày 29/8, về quỹ BHXH.
![]() |
Sai phạm nghiêm trọng tại PKĐK Tâm Đức, Bình Phước. |
Hàng loạt sai phạm!
Tháng 5/2017, BHXH Việt Nam có công văn yêu cầu tỉnh Bình Phước tạm dừng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại PKĐK Tâm Đức vì việc khám chữa bệnh không đúng quy định. Tiếp đó, BHXH Việt Nam yêu cầu và BHXH tỉnh Bình Phước đã có báo cáo cho thấy PKĐK Tâm Đức có một số sai phạm nên BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức thanh – kiểm tra hoạt động tại PKĐK Tâm Đức. Sau khi bị kiểm tra, phía PKĐK cho rằng BHXH Việt Nam… không khách quan! Vì vậy từ ngày 3/7 đến 7/7, BHXH Việt Nam đã cùng Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật tại PKĐK Tâm Đức.
Qua kiểm tra, Đoàn thanh tra phát hiện hàng loạt vi phạm. Cụ thể: Giấy phép hoạt động của PKĐK Tâm Đức không có khám, chữa bệnh về phục hồi chức năng, không có bác sỹ có chứng chỉ về lĩnh vực này, nhưng phòng khám vẫn thực hiện chỉ định, điều trị các dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng với số lượng lớn, chi phí nhiều. Hành vi này vi phạm khoản 3 điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh và văn bản hướng dẫn dưới luật. Căn cứ theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi này bị xử phạt từ 50-70 triệu đồng, bị tước giấy phép hoạt động từ 3-6 tháng.
Và, nhằm thu hút người bệnh có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh, PKĐK Tâm Đức tổ chức khuyến mại khám, vi phạm điểm d, đ khoản 1 điều 22 Luật BHYT. Từ lúc được cấp giấy phép hoạt động (ngày 31/3/2013) đến khi bị kiểm tra, PKĐK này ký hợp đồng với nhiều bác sỹ nhưng không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh có phê duyệt của Sở Y tế! Vì thế BHXH Việt Nam khẳng định chi phí khám chữa bệnh của các bác sỹ không đăng ký hành nghề, không thuộc trách nhiệm chi trả của BHXH.
Cũng theo văn bản số 3356/BHXH-CSYT ngày 9/8/2017 của BHXH Việt Nam, ngoài những sai phạm nêu trên, bác sỹ tại PKĐK Tâm Đức khám chữa bệnh vượt quá phạm vi ghi trên giấy phép hành nghề. Bác sỹ nội khoa nhưng khám cả tai – mũi – họng và cả chuyên khoa mắt, thậm chí chỉ định luôn dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng điều trị bằng tia hồng ngoại, kéo nắn cột sống! Bác sỹ đăng ký khám chữa bệnh về y học cổ truyền ghi “ngoài giờ hành chính, ngày trực thứ bảy - chủ nhật” nhưng lại ký toàn bộ hồ sơ khám trong giờ hành chính, còn bác sỹ khám trong giờ hành chính lại chưa có chứng chỉ hành nghề! Theo BHXH Việt Nam, đây là hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ, giả mạo danh tính người thực hiện và Luật Khám bệnh, chữa bệnh nghiêm cấm hoàn toàn.
Ngoài ra, Đoàn thanh tra còn phát hiện năm 2016, PKĐK Tâm Đức ký hợp đồng với 4 bác sỹ, trên 10 y sỹ. Năm 2017 ký với 2 bác sỹ, 15 y sỹ. Thế nhưng các y–bác sỹ này chưa được cấp chứng chỉ hành nghề! Để hợp thức hóa thời gian thực hành cho các y–bác sỹ nói trên, PKĐK Tâm Đức ký luôn giấy chứng nhận cho các y–bác sỹ này, trong khi theo quy định các y–bác sỹ phải thực hành tại bệnh viện chứ không phải tại phòng khám!
Có dấu hiệu trục lợi Quỹ BHYT
Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, qua kiểm tra phát hiện PKĐK Tâm Đức mua thuốc không đúng theo quy định. Cơ cấu chi phí tại phòng khám không hợp lý, có biểu hiện trục lợi BHYT. Sở Y tế tỉnh Bình Phước cấp chứng chỉ hành nghề sai cho 3 bác sỹ thực hiện khám chữa bệnh tại phòng khám.
Cụ thể, phòng khám mua thuốc của nhà thuốc Cộng hòa (P. Bình Hòa, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương) để phát trái quy định cho người bệnh BHYT. Vì Luật Dược quy định nhà thuốc chỉ có chức năng bán lẻ. Về cơ cấu chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT tại phòng khám tăng cao từ quý III/2016 gấp 10 lần so với quý I/2016. Việc chi tiền thuốc chỉ chiếm 9%, chủ yếu chi dịch vụ kỹ thuật. Riêng tiền thủ thuật chiếm 78% tổng chi phí, tập trung ở dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền, phục hồi chức năng và hàn răng.
Đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề cho 3 bác sỹ, theo quy định phải thực hành 18 tháng tại bệnh viện. Nhưng Sở Y tế tỉnh Bình Phước vẫn cấp chứng chỉ hành nghề cho những người này!
Trước những vi phạm trên, BHXH Việt Nam đề nghị Đoàn kiểm tra tổng hợp, đưa vào thông báo kết luận sau kiểm tra và đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Phước xử phạt, tước giấy phép hoạt động theo đúng quy định. Đồng thời phải xử nghiêm những sai phạm của các cán bộ liên quan.
Cuối cùng theo ông Phạm Lương Sơn, sai phạm nghiêm trọng nhất tại PKĐK Tâm Đức, là: “Phòng khám liều mạng đến mức đưa thực tập sinh vào phòng khám để hành nghề. Nếu xảy ra bất kỳ rủi ro nào, ai sẽ chịu trách nhiệm”.
Theo nhận định của BHXH Việt Nam, tại PKĐK Tâm Đức dù chưa đủ điều kiện về nhân lực để được cấp giấy phép hoạt động là PKĐK, chưa đủ chuyên khoa là cơ sở đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu. Thế nhưng thực tế vẫn được Sở Y tế tỉnh Bình Phước “ưu ái” cấp phép hoạt động (?!) trong lĩnh vực nêu trên. Chủ PKĐK Tâm Đức là bà Ngô Minh Chiến (SN 1976, ngụ thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), nguyên là thanh tra viên Phòng Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Phước. Năm 2004, bà Chiến vào làm việc tại Phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế tỉnh Bình Phước) dù không có bằng tốt nghiệp THPT. Đến năm 2008, chuyển sang phòng Thanh tra của sở với bằng cấp chuyên môn dược sĩ trung học, rồi được cử đi học lớp ngắn hạn thanh tra viên. Trong năm này, bà Chiến được đi học lớp đại học hành chính K88-TC54 (hệ vừa làm vừa học, văn bằng 1, khóa 2008-2012 tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước) bằng ngân sách nhà nước. Cũng trong năm 2008, bà Chiến lập PKĐK Tâm Đức, xin cấp phép hoạt động. Tuy nhiên thời điểm đó, Giám đốc Sở Y tế là bà Trần Thị Kim Sang đã không cấp phép hoạt động vì phòng khám không đủ điều kiện. Đến năm 2012, bà Sang về hưu, ông Nguyễn Đồng Thông lên làm Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước. Lúc này PKĐK Tâm Đức được phép hoạt động, bởi anh ruột ông Thông là ông Nguyễn Đồng Kính đứng tên chịu trách nhiệm chuyên môn tại PKĐK Tâm Đức. Dù mới chỉ là thanh tra viên Sở Y tế, nhưng bà Chiến khá cao ngạo khiến nhiều người không thích nên làm đơn tố cáo bà này dùng bằng tốt nghiệp THPT giả! Qua điều tra, Phòng CSĐT Tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Bình Phước xác định bà Chiến có đến… 2 bằng tốt nghiệp cấp 3 giả, chứ không phải 1 bằng! Tháng 6/2013, Phòng PC46 gửi văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Phước xử lý theo đúng quy định của pháp luật nhưng Sở Y tế “ém nhẹm”! Tháng 9/2013, một số tờ báo phanh phui vụ việc, lúc đó ông Nguyễn Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo xử lý, thì ông Nguyễn Đồng Thông mới lập hội đồng kỷ luật và chỉ… khiển trách bà Chiến trong thời gian… 3 tháng! Chỉ đến cuối năm 2014, khi bà Chiến bị Công an tỉnh Bình Phước bắt tạm giam vì “dính” vào 1 vụ án, lúc này Sở Y tế tỉnh Bình Phước mới cho bà Chiến nghỉ việc! |