Cơm rượu nếp
Đây là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ của cả 3 miền, theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể.
Sáng 5/5 mỗi người trong nhà đều ăn một ít cơm rượu với mong muốn và niềm tin sẽ đẩy lùi được mầm bệnh trong người.
Cơm rượu nếp có thể được nấu từ nhiều loại nếp khác nhau tuỳ vào sở thích của mỗi gia đình như nếp cẩm, nếp lứt hoặc nếp cái hoa vàng,… Nhưng mỗi miền lại có đặc trưng riêng về thời gian và cách ủ, miền Bắc thì để rời từng hạt, cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được viên tròn.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Bánh ú nước tro (bánh ú)
Bánh ú là loại bánh truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam, cũng là một phiên bản khác của bánh gio ở miền Bắc. Bánh có hình chóp và được gói bên ngoài bằng lá có thể dùng lá chuối hoặc lá dong, bên trong là nếp và nhân đậu xanh.
Bánh được làm rất tỉ mỉ để cho ra những gói bánh thơm nồng cho mọi người thưởng thức. Ngày 5/5 cũng thời điểm hè đến và có thể thưởng thức món bánh thanh ngọt, mát mẻ và dân dã.
Chè trôi nước
Chè trôi nước rất nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam và cũng là món phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ ở miền Nam, được làm từ bột nếp và nhân đậu xanh, bột được nhồi đến khi mềm dẻo sau đó lấy 1 lượng vừa đủ vào lòng bàn tay dàn mỏng ra rồi để vào giữa 1 viên nhân đậu xanh rồi vo tròn lại. Khi nấu cho thêm ít gừng giúp món chè có hương thơm và vị nồng ấm của gừng, ăn kèm đó là nước cốt .
Vị béo và ngọt bùi hoà hợp với nhau cùng với vị cay ấm của gừng trong nước đường và vị thơm nồng của mè, đậu phộng phía trên.
Thịt vịt
Thịt vịt bị kiêng ăn vào đầu tháng nhưng trong ngày 5/5, nó lại là món ăn đắt hàng. Theo người xưa thì khoảng tháng 5 âm lịch thời tiết thường nóng nực, thịt vịt có tính mát, bổ dưỡng rất thích hợp ăn vào ngày này.
Hơn nữa, từ “vịt” trong tiếng Hán là "áp". Vịt đồng âm với "áp" nên mang nghĩa trấn áp sự xâm nhập của bệnh tật, tà khí. Đây cũng là lời chúc người thân, bạn bè luôn an lành.
Bên cạnh đó thì vào khoảng thời gian này vịt bắt đầu vào mùa nên béo ngậy, thịt ngon và không có mùi hôi. Vì vậy mà thịt vịt trở thành món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ, tuỳ sở thích mỗi nhà mà chế biến món ăn khác nhau.
Chè kê
Chè kê là món ăn đặc trưng của người Huế trong ngày Tết Đoan Ngọ, ăn kèm với bánh tráng mè, món này thường người ta không dùng muỗn mà dùng bánh tráng để múc ăn, vị giòn của bánh tráng nhanh chóng hòa lẫn với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của kê và thơm cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món ngon càng thêm hấp dẫn.
Chè kê có tác dụng bổ khí huyết, thanh mát, giải nhiệt rất thích hợp ăn vào thời tiết nắng nóng lúc giữa năm.
Bánh khúc
Bánh khúc là đặc sản của người Nùng, được làm từ gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, vừng đen có thể hấp hoặc rán tuỳ sở thích, nhưng hấp dẫn nhất là chao qua chảo mỡ. Bởi lúc này, những chiếc bánh nóng có độ phồng, bóng, thơm thơm của mùi lá khúc cùng hương vị của đậu xanh, của hành, mỡ pha chút ngậy của vừng đen.
Hoa quả theo mùa
Các loại hoa quả theo mùa là món ăn tiếp theo không thể thiếu vào ngày Tết Đoan Ngọ. Người xưa cho rằng, sau khi sâu bọ bị “chuốc say” bởi rượu nếp, nếu ăn những loại quả này sẽ khiến chúng bị tiêu diệt nhanh hơn.
Vào ngày mùng 5/5 âm, các loại hoa quả được chọn để diệt sâu bọ chủ yếu là các loại quả mùa hè có vị chua chua, thơm như mận, xoài, vải, dưa hấu,…
Việc ăn trái cây đầu mùa, không chỉ với mong muốn tiêu trừ mầm bệnh mà phần nào còn thể hiện được mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.