Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Tương truyền rằng vào năm người dân được mùa và sắp gặt hái được nhiều hơn so với mong đợi thì loài sâu bọ không biết từ đâu xuất hiện đã tàn phá, ăn hết trái cây, lương thực. Điều này đã khiến nhiều người chưa kịp vui mừng lại rơi vào trạng thái lo lắng và không biết nên làm gì để hóa giải nạn sâu bọ.
Lúc bấy giờ, một ông lão tự xưng là Đôi Truân, nói với người dân rằng vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, loài sâu bọ thường trở nên hung hăng nên cần lập đàn cúng bánh tro và trái cây để tiêu diệt chúng.
Người dân nghe thế nên làm theo lời của ông lão. Chẳng bao lâu, các loài sâu bệnh dần co quắp lại và ngã rã rượi trên mặt đất. Thấy vậy, mọi người đều vui mừng hò reo và dự định cảm tạ ông lão nhưng ông đã đi mất.
Dù vậy, người dân vẫn ghi nhớ công ơn của ông và lập đàn cúng hằng năm cũng như đặt tên cho ngày này là ngày tết Đoan Ngọ với “Đoan” là bắt đầu và “Ngọ” là khoảng thời gian cúng từ 11 giờ đến 1 giờ trưa. Ngày lễ đó đã được lưu truyền cho đến ngày nay và mang trên mình nhiều tên gọi khác như “tết Đoan Dương”, “Tết diệt sâu bọ.”
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ
Cùng với nguồn gốc thì ngày Tết Đoan Ngọ cũng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hoá, tâm linh của người dân Việt Nam. Trong ngày này người dân sẽ làm lễ cúng dâng Tết Đoan Ngọ nhằm mục đích phát động phong trào bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng và cầu mong một vụ mùa bội thu.
Tết Đoan Ngọ tuỳ vào từng vùng miền sẽ có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp để con cháu tìm về nguồn cội, nhớ ơn công đức tổ tiên. Vào Tết Đoan Ngọ, các gia đình thường chuẩn bị lễ vật cúng tổ tiên, thần linh. Bên cạnh đó những món ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ cũng được người dân các địa phương chú trọng. Theo truyền thống của từng vùng miền, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn cũng sẽ khác nhau.
Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc trong Tết Đoan Ngọ không thể thiếu rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm. Theo quan niệm dân gian đây là thực phẩm giúp diệt ký sinh trùng trong cơ thể con người. Theo đó rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm.
Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái". Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này.
Tại miền Trung cơm rượu được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Đây là món tráng miệng, lại giúp dễ tiêu hóa nên đã được nhiều gia đình miền Trung tự chế biến trong bữa ăn. Cơm rượu nếp miền Trung thường có hình dáng vuông vức. Tại các tỉnh, TP của miền Nam, cơm rượu nếp được gọi là cơm rượu. Cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Món cơm rượu ở miền Nam thường có nước tiết ra và cũng được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc.
Trong đó, tại TP Đà Nẵng, món không thể thiếu trên mâm cơm cúng là bánh ú tro. Nhà nào cũng mua từ ba bốn chục bánh trở lên trong ngày Tết Đoan Ngọ. Còn tại TP Hồ Chí Minh, vịt quay, lợn quay ngày này thường được người dân sử dụng nhiều hơn so với ngày thường.
Ngày Tết Đoan Ngọ gắn liền với nhiều phong tục độc đáo
Tục "Diệt sâu bọ" buổi sáng sớm
Đây là phong tục phổ biến nhất và diễn ra ngay khi thức dậy. Người dân quan niệm rằng, việc ăn những món nhất định vào sáng sớm khi bụng đói sẽ giúp "diệt trừ" các loại "sâu bọ" (tức là bệnh tật) trong cơ thể.
Các món thường ăn bao gồm:
Cơm rượu nếp/rượu nếp cẩm: Vị cay nồng, hơi men được cho là có tác dụng làm say "sâu bọ".
Hoa quả có vị chua, chát: Mận, vải, đào, dưa hấu... là những loại trái cây vào mùa này, được tin là giúp "tiêu diệt" sâu bọ.
Bánh tro hay còn gọi là bánh gio (miền Bắc), Bánh ú (miền Nam): Loại bánh làm từ gạo nếp ngâm nước tro, có tính mát, giúp thanh lọc cơ thể.
(Với trẻ nhỏ, ở một số nơi còn có tục bôi hồng hoàng lên thóp đầu, ngực, rốn để xua đuổi côn trùng và bệnh tật).
Cúng gia tiên và thần linh
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ là cách con cháu thể hiện lòng hiếu thảo và biết ơn. Tùy theo phong tục từng vùng miền mà mâm cúng có thể khác nhau, nhưng thường bao gồm:
Hương, hoa tươi, vàng mã, nước sạch.
Cơm rượu nếp/rượu nếp cẩm.
Các loại hoa quả mùa hè (mận, vải, dưa hấu...).
Bánh tro (miền Bắc), Bánh ú bá trạng (miền Nam).
Xôi, chè (chè trôi nước ở miền Nam, chè kê ở miền Trung, chè đậu xanh/sen ở miền Bắc...).
(Ở một số nơi, có thể có thêm thịt vịt - món ăn giải nhiệt theo quan niệm dân gian).
Mâm cúng thường được chuẩn bị tươm tất và dâng lên bàn thờ vào giờ Ngọ (khoảng 11 giờ -1 giờ chiều).
Hái lá thuốc và tắm lá thơm
Nhiều nơi còn giữ tục hái lá thuốc vào đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa).
Người xưa tin rằng vào thời điểm dương khí mạnh nhất, các loại lá cây có dược tính cao nhất thường được hái như lá kinh giới, tía tô, ngải cứu, lá mùi, lá bưởi... Sau đó, lá thuốc có thể được phơi khô dùng dần hoặc đun nước để tắm, xông hơi, giúp phòng và trị bệnh ngoài da, cảm cúm, xua đuổi tà khí.
Khảo cây (Đánh cây)
Một phong tục độc đáo ở vùng nông thôn là "khảo cây" hay "đánh cây". Người ta dùng dao gõ nhẹ vào gốc các cây ăn quả ít ra quả hoặc bị sâu bệnh, đồng thời trò chuyện như hỏi xem cây có muốn ra quả không. Phong tục này thể hiện mong muốn cây cối sai quả, mùa màng bội thu.