Một khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử ngay từ bây giờ là đòi hỏi cần thiết
Theo Kế hoạch, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số TMĐT doanh nghiệp - người tiêu dùng, tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến, tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Bên cạnh đó, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm. Do vậy đòi hỏi một khung pháp lý cho hoạt động này ngay từ bây giờ là đòi hỏi cần thiết.
Tăng trưởng ở mức trên 25%, tỷ trọng doanh thu so với tổng mức bán lẻ cũng đã tăng gấp đôi. Đó là thống kê mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết khi đánh giá tốc độ phát triển của kinh doanh TMĐT trong 5 năm vừa qua.
Theo đánh giá này, sự bùng nổ của TMĐT cũng kéo theo nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, khi mà cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng liên tục phát hiện nhiều đối tượng xấu tận dụng môi trường, lợi dụng TMĐT để bán những sản phẩm ko rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, xâm phạm bản quyền trên môi trường tực tuyến.
Theo Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT Nguyễn Kỳ Minh, nếu như trước đây, các sàn TMĐT rất cần các chính sách mở để thu hút người bán nhưng giờ đây khi mà lượng người tham gia rất lớn thậm chí hàng trăm ngàn, hàng triệu người bán, thì lúc này vai trò kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng là yêu cầu bức thiết.
Từ 15/10/2020, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ bắt đầu có hiệu lực sẽ đáp ứng kịp thời đòi hỏi này.
Từ 15/10/2020, vi phạm kinh doanh trên nền tảng điện thoại di động sẽ bị xử phạt như trên website thương mại điện tử
Nghị định 98 cũng bổ sung, mở rộng đối tượng quản lý thương mại điện tử lên các nền tảng ứng dụng di động bán hàng, các ứng dụng này cũng sẽ được quản lý với các chế tài tương tự với website TMĐT.
Theo đó, với các sàn TMĐT, việc phối hợp và có biện pháp xử lý, ngăn chặn hành vi gian lận, hàng giả, hàng cấm là quy định bắt buộc. Nếu các gian hàng không hợp tác, không có biện pháp xử lý ngăn chặn nếu đã được thông báo về các gian lận, hàng giả, hàng cấm và vi phạm bản quyền sẽ bị xử phạt tới 40 triệu đồng. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể yêu cầu các sàn phải có trách nhiệm xử lý, đóng các tài khoản xấu, hoặc có các hình thức xử phạt về mặt kỹ thuật...
Trường hợp cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Với hành vi tự ý thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ hoặc di chuyển trái phép thông tin thanh toán của khách hàng trên website hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT, hoặc để thông tin thanh toán của khách hàng qua website cung cấp dịch vụ TMĐT, hoặc ứng dụng TMĐT bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng sẽ bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng.
Đáng chú ý là mức tiền phạt quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.