Thống kê năm 2019 cho thấy lực lượng QLTT cả nước cũng đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc do có hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả… với giá trị hàng hóa vi phạm trên 40,62 tỉ đồng, thu ngân sách hơn 16,38 tỉ đồng.
Tổ công tác 368 kiểm tra một điểm kinh doanh của Ansan Cosmetics - Ảnh: Tổng cục QLTT
Dẫn con số khảo sát của website tìm kiếm và so sánh giá iPrice Group và Công ty Đo lường Similar Web cho thấy trong quý I/2020, Shopee Việt Nam có 43,16 triệu lượt truy cập, thực hiện giao dịch mua sắm trực tuyến, tăng mạnh so với cùng kỳ, vượt xa các DN thương mại truyền thống đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, doanh số bán hàng của DN cho khách hàng cá nhân tăng đỉnh điểm thông qua hình thức online trong dịch Covid-19.
Do quy định hạn chế tiếp xúc và tâm lý ngại giao tiếp trong giai đoạn giãn cách xã hội chống dịch Covid-19, co thể thấy hoạt động TMĐT cũng có những tăng trưởng đáng kể.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh TS. Võ Trí cho rằng, việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid 19 một cách nghiêm ngặt và giãn cách xã hội là "đòn bẩy" giúp TMĐT Việt Nam phát triển nhanh hơn. Trong thời gian dịch Covid-19, TMĐT ở Việt Nam đã có những bước đột phá và đây là một xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có thể ghi nhận nền tảng kinh doanh TMĐT phát triển lên một bước, thì tình trạng vi phạm kinh doanh trên nền tảng này cũng tăng theo một tỷ lệ nhất định.
Mặc dù, thời gian vừa qua, lực lượng QLTT đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp.
Đơn cử một vài vụ việc đã bị Cơ quan QLTT phát hiện như vụ thu giữ hơn 7.500 sản phẩm mỹ phẩm các loại không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt tại Hệ thống cửa hàng Ansan Cosmestics (TP. Hồ Chí Minh), địa chỉ website ansancosmetics.com hồi 18/3.
Hay gần đây, lực lượng QLTT cũng phát hiện hàng chục ngàn mặt hàng thời trang nhái các thương hiệu nổi tiếng và thực phẩm chức năng nhập lậu tại 6 tụ điểm kinh doanh thuộc quận 1 và quận 10 TP. Hồ Chí Minh.
Bao giờ người tiêu dùng được an tâm, thoải mái mua sắm trong môi trường thương mại điện tử
Có thể nói, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội đã đến mức báo động. Thực trạng này gây ảnh hưởng đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng là không nhỏ.
Nhằm thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử, từ ngày 28/2/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TCQLTT về việc thành lập Tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổ 368).
Tổ 368 có nhiệm vụ tham mưu, giúp Tổng cục trưởng về công tác QLTT trong TMĐT trên phạm vi cả nước để nắm tình hình, công tác kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc tuân thủ các quy định pháp luật về TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh TMĐT.
Bên cạnh đó, Tổ 368 cũng có nhiệm vụ phối hợp kiểm tra, xử lý các vụ việc hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan, lực lượng chức năng có thẩm quyền xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động QLTT trong môi trường TMĐT.
Trên thực tế, hành lang pháp lý về TMĐT với Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 đã được xây dựng khá chi tiết; bên cạnh đó, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đưa ra nhiều chế tài cụ thể. Tuy nhiên, thị trường TMĐT thay đổi liên tục cho thấy dường như “chiếc áo pháp lý” này đang ngày càng chật hơn. Điều này đặt ra yêu cầu mới cần có thêm nhiều bổ sung, điều chỉnh.
Chia sẻ những “bận tâm” này, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho rằng, cần sửa đổi và mạnh tay hơn các vi phạm; đặc biệt, tăng cường nghĩa vụ của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong việc kiểm soát, sàng lọc thông tin, ràng buộc trách nhiệm của chủ thể này với những giao dịch từ người bán nước ngoài.
Bao giờ người tiêu dùng được an tâm, thoải mái mua sắm, giao dịch trong môi trường TMĐT thực sự đang là một đòi hỏi không xa xỉ.
QLTT Bình Phước kiểm tra thực tế cửa hàng mỹ phẩm “Môi Son Má Hồng” từ tài khoản bán hàng trên Facebook của bà Vũ Thị Ngọc Bích. Ảnh Cục QLTT Bình Phước Ngày 8/6, Đội QLTT số 7, Cục QLTT Bình Phước phát hiện tài khoản Facebook “Môi Son Má Hồng” rao bán trên mạng các loại mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài. Xác minh làm rõ tài khoản Facebook trên là của bà Vũ Thị Ngọc Bích có địa chỉ tại: số 49, đường Võ Văn Tần, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Qua kiểm tra, phát hiện tại cơ sở đang bày bán 62 sản phẩm mỹ phẩm các loại có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài, trong đó: 50 hộp tinh chất dưỡng da nhãn hiệu BERGAMO xuất xứ Hàn Quốc, 8 hộp kem dưỡng da mặt nhãn hiệu DIADERMINE xuất xứ Pháp, 4 chai sữa rửa mặt nhãn hiệu YVES ROCHER xuất xứ Pháp, có tổng trị giá 17.400.000đ theo giá niêm yết trên sản phẩm tại cửa hàng vào thời điểm kiểm tra. Bà Vũ Thị Ngọc Bích đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số mỹ phẩm nói trên. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ toàn bộ mỹ phẩm vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. |