Thời gian gần đây, người tiêu dùng tỏ ra lo lắng và nghi ngại khi mua sắm khi một số trang thương mại điện tử trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam, thông báo ngưng cung cấp dịch vụ đồng kiểm khi nhận hàng từ tháng 3/2019. Theo đó, người mua khi nhận hàng sẽ không được mở kiện hàng ra xem như trước đây mà chỉ được kiểm tra các yếu tố bên ngoài của kiện hàng. Bên cạnh đó, người mua chỉ có quyền mở kiện hàng sau khi đã thanh toán đầy đủ cho nhân viên vận chuyển.
Khách hàng được quyền từ chối nhận hàng nếu quan sát thấy các dấu hiệu bên ngoài kiện hàng có bất thường như móp méo, không còn nguyên vẹn, sai thông tin người nhận… và được hoàn tiền trong vòng 10 ngày làm việc.
Ảnh minh họa.
Ngày 25/4, trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử" ở TP Hồ Chí Minh, ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết đồng kiểm là dịch vụ gia tăng và chỉ thực hiện được khi người bán và chủ sàn cùng hợp tác do quy trình này phát sinh chi phí như đóng gói, mở lại... Trong khi thống kê các giao dịch, sàn này thấy tỉ lệ người sử dụng bước đồng kiểm tra rất thấp.
"Và đó là lựa chọn kinh doanh. Trường hợp người mua hàng giá trị cao, họ muốn đồng kiểm thì người bán phải chịu phí, nhưng hiện nay người bán không chịu khoản phí này nên chúng tôi cho dừng" - ông Tuấn Anh nói.
Trước đó, sàn thương mại điện tử Lazada cũng ra thông báo kể từ ngày 15/3/2019, sàn áp dụng chính sách "Không hỗ trợ đồng kiểm khi nhận hàng".
Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam, quyết định này dựa trên cơ sở giao dịch thực tế trên thị trường. "Cụ thể, sàn thương mại điện tử là nơi kết nối người mua và người bán với nhau. Trong khi đó, người đồng kiểm lại là người giao hàng, họ không nắm được thông tin hàng hóa, tính chất của từng loại hàng hóa nên không thể giải thích hay nhận trách nhiệm trong tình huống này được" - ông Tuấn nói rõ thêm.
Trước thông báo về việc ngưng chương trình đồng kiểm, người tiêu dùng tỏ ra lo lắng và nghi ngại khi mua sắm tại đây. Bởi theo họ, việc các sàn thương mại điện tử hoặc mua bán trực tuyến không cho kiểm hàng trước khi mua chẳng khác nào tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại như bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoặc hàng không đúng theo yêu cầu lựa chọn của khách hàng.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đánh giá thương mại điện tử trong một vài năm qua phát triển bùng nổ về số lượng, các thủ đoạn và hành vi gian lận trên "chợ mạng" diễn ra tràn lan, khiến người tiêu dùng "sợ mua hàng trên mạng vì không biết tin vào ai".
"Người mua và người bán không gặp nhau, nhiều vụ việc khó truy tới nơi bởi địa chỉ khai báo là kho hàng hoặc nhà ở. Ở khía cạnh thanh toán, phải phối hợp với ngân hàng mới được truy vấn giao dịch nên có độ trễ, mất thời gian. Các sàn thương mại điện tử cũng chưa có nhiều công cụ để kiểm soát hàng của người bán khi tham gia kinh doanh trên các sàn này. Do đó, cần điều chỉnh chính sách để có biện pháp và chế tài mạnh hơn với loại hình kinh doanh này. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của sàn, bởi chủ sàn đóng vai trò là người mở chợ, không thể đổ cho việc không kiểm soát được người bán đưa hàng vào chợ của mình" - ông Linh nói.
Tại hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” vừa diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đánh giá chính sách quản lý thương mại điện tử không gắn với thực tế và bán hàng online đang trở thành môi trường sống của hàng giả. Hiện nay công cụ, chế tài xử lý các vi phạm trên các sàn thương mại điện tử chưa thỏa đáng, chưa đủ rộng. Hành vi bán hàng giả trên thương mại điện tử đang làm méo mó thị trường, thất thu ngân sách, người tiêu dùng bị phương hại.
Ông cũng đặt ra các vấn đề về kiểm soát hàng giả trên sàn thương mại điện tử: “Tại sao chúng ta không đánh sập website, thu tên miền nếu phát hiện bán hàng giả. Trách nhiệm người cung cấp máy chủ, domain, dịch vụ Internet… ở đâu? Phải gắn trách nhiệm của những đối tượng này trong việc chống hành vi kinh doanh hàng giả trên TMĐT. Phải có chế tài mạnh, không để môi trường Internet làm môi giới, trung gian cho kinh doanh bán hàng giả”.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, ước tính số lượng hàng giả hàng nhái trong năm 2018 có 35.943 sản phẩm bị gỡ bỏ tại các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam. Hơn 3.000 tài khoản bán hàng bị khóa, và xử lý gần 2.800 trường hợp phản ánh của người tiêu dùng.