Trao đổi với các nhà đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Hồ Chí Minh sáng 8/5, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho biết, Tập đoàn Vingroup đã rút khỏi dự án Công viên Sài Gòn Safari để tập trung vào các dự án khác của tập đoàn. Do vậy, dự án Công viên Sài Gòn Safari đã được đưa vào danh sách 210 dự án kêu gọi đầu tư của TP trong năm 2019.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai cũng cho biết thêm, sau khi Vingroup rút, chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào dự án này. Hiện nay, đất ở đây là đất sạch, quy hoạch 1/2000 dã được UBND TP phê duyệt, các nhà đầu tư có thể liên hệ với đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư TP để tìm hiểu chi tiết.
Dự án công viên Sài Gòn Safari "treo" 15 năm, đến nay tiếp tục bị Tập đoàn Vingroup “từ chối”. |
Được biết, công viên Sài Gòn Safari (còn có tên là Thảo Cầm Viên mới) có quy mô 456,34 ha, được triển khai từ năm 2004 tại xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Dự án được giới thiệu là Công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, quy mô vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD. Dự án được TP đề xuất đầu tư từ năm 2004, đến nay đã 'treo' 15 năm chưa thực hiện.
Đặc thù chính của công viên Sài Gòn Safari là mô hình công viên giải trí du lịch sinh thái. Dự kiến sẽ tổ chức nuôi dưỡng, trưng bày nhân giống các loài động thực vật trong nước và các châu lục khác trên thế giới. Theo kế hoạch, nơi đây sẽ nuôi dưỡng khoảng 300 loài động vật với khoảng 10.000 con, 3.000 loài thực vật (bao gồm luôn cả cây cảnh, cây xanh, dây leo)…
Để thực hiện dự án, tháng 6/2004, UBND TP ra quyết định thu hồi đất đồng thời giao Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn (chủ đầu tư) và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân thuộc địa bàn 2 xã của huyện Củ Chi.
Tuy nhiên trải qua hơn 10 năm, dự án này vẫn chưa được triển khai và đến năm 2016, Tập đoàn Vingroup được chấp thuận đầu tư dự án với vốn khoảng 500 triệu USD. Thời điểm đó TP đề nghị Vinpearl bổ sung, điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, đề xuất từ 2 đến 3 phương án để lựa chọn phương án tối ưu.
Đến tháng 4/2019, Thanh tra Chính phủ kết luận đã xảy ra thất thoát hơn 104 tỉ đồng do đền bù sai quy định và các sai sót khác khiến người dân khiếu nại tại dự án thảo cầm viên mới Sài Gòn Safari.
Ngoài dự án Safari Sài Gòn, tại Hội nghị, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị UBND TP bổ sung thêm dự án Đô thị sáng tạo phía Đông TP, Bình Quới - Thanh Đa, Nam Kênh Đôi, Rạch Xuyên Tâm, các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ... vào danh mục các dự án gọi đầu tư.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, qua nghiên cứu danh mục các dự án mời gọi đầu tư, các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, nhất là chỉnh trang đô thị, gian nan nhất đó là công tác giải phóng mặt bằng. Do vậy TP nên rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng còn hơn 100 ngày, để sớm giao quỹ đất cho nhà đầu tư.