Phụ nữ lập nghiệp kinh doanh, đóng góp cho xã hội
Nhiều năm qua, những gương phụ nữ vươn lên làm kinh tế giỏi tại TP Hồ Chí Minh ngày càng nhiều. Điển hình như quá trình lập nghiệp, định cư và phát triển công việc kinh doanh của bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân. Từ năm 1982, bà Huân (quê ở Long An) đến TP Hồ Chí Minh kinh doanh cửa hàng trứng Ba Huân. Cửa hàng làm ăn ngày một khấm khá, năm 2001 bà thành lập doanh nghiệp tư nhân, năm 2006 đổi thành Công ty TNHH, sau đó là Công ty Cổ phần Ba Huân. Ngày nay, công ty đã phát triển quy trình sản xuất từ trang trại đến bàn ăn theo tiêu chuẩn công nghê cao với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Tháng 2/2017, Tạp chí Forbes đã bình chọn Ba Huân là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Không chỉ giúp làm giàu cho quê hương Long An và TP Hồ Chí Minh, công ty Ba Huân còn giúp hàng trăm phụ nữ khác lập nghiệp. Bà Phạm Thị Huân chia sẻ: “Từ xưa Ba Huân đã tặng cho phụ nữ các tỉnh miền Nam con giống chăn nuôi, riêng tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi giúp phụ nữ kinh doanh với số vốn ban đầu khoảng 1.000.000 tiền sản phẩm của công ty. Họ bán hàng rồi tích lũy sau thành đại lý lớn của công ty. Đến nay Ba Huân có hàng trăm đại lý do phụ nữ làm chủ”.
Cũng là người con của vùng đất Long An, doanh nhân Phạm Thị Ngọc Hà – Tổng giám đốc Công ty THHH San Hà chọn TP Hồ Chí Minh làm điểm lập nghiệp, kinh doanh thực phẩm từ 1991 và thành công. Đến nay, công ty có hơn 1.200 nhân viên với 4 nhà máy sản xuất, chế biến thịt gà và gia cầm, cung ứng thị trường hơn 200 tấn sản phẩm mỗi ngày. San Hà có 17 cửa hàng tại các quận 4, 8, Bình Thạnh, Bình Tân, Phú Nhuận, Bình Chánh, Hóc Môn, Long An, Đồng Nai... và đang lên kế hoạch mở rộng thêm tại nhiều địa phương.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà chia sẻ: “Tôi luôn tìm tới những người làm công cho mình và giúp đỡ họ, rồi nhân sự tăng dần đến lúc đạt trên 1.000 người lúc nào không hay. Tôi đeo đuổi mục tiêu tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá phù hợp cho mỗi gia đình. Nhờ kinh doanh tôi nhận ra mình là phụ nữ đã có đóng góp nhiều cho xã hội, đóng góp ít nhiều cho nền kinh tế phát triển”.
Theo nghiên cứu mới nhất về “Phụ nữ trong kinh doanh” của Grant Thornton tại khu vực châu Á có tỷ lệ phụ nữ tham gia trong ban lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp thuộc nhóm khá cao trên thế giới. Trong đó, Việt Nam có tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao đứng thứ hai châu Á với tỷ lệ khoảng 36% (đứng sau Philippines với 37,46%). Xếp sau Việt Nam có Singapore (33,04 %), Indonesia (31,85 %), Hàn Quốc (29,89 %)… Trước đó, vào năm 2019, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo tại Việt Nam có 285.700 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp toàn quốc.
Tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ kinh doanh
Phụ nữ chiếm gần 50% lực lượng lao động, hoạt động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của nữ giới gặp không ít khó khăn, thách thức. Đối với phụ nữ nhập cư khi khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chương trình để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, làm chủ kinh tế. Đến nay, tổ chức này đã thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hơn 1.000 phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần cùng thành phố thực hiện tốt chương trình “Giảm nghèo bền vững”. Bà Trần Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết: “Hội LHPN thành phố tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, kết nối và quảng bá cho doanh nghiệp giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Gần đây nhất, trong năm 2020, Hội đã phối hợp với Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VPMilk) trong triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”, liên kết với Công ty TNHH TNI – King Coffee trong triển khai thực hiện Chương trình “Women Can Do” giúp phụ nữ khởi nghiệp với 5.000.000 đồng”. Ngoài ra, Hội LHPN TP Hồ Chí Minh đang quản lý quỹ 100 tỷ đồng để giúp phụ nữ phát triển kinh tế. Hội viên là công dân của thành phố, có giấy phép hoạt động kinh doanh có thể vay vốn từ 70 -100 triệu đồng. Song song đó, mỗi năm hội tổ chức từ 7-10 khóa học miễn phí cho phụ nữ khởi nghiệp, mỗi khóa kéo dài 3 tháng, giúp phụ nữ kiến thức kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, Hội LHPN Thành phố còn tổ chức chương trình cà-phê khởi nghiệp “Chia sẻ để vươn cao” từ năm 2019. Đến nay, chương trình đã dần trở thành dấu ấn riêng mỗi kỳ tổ chức thu hút hơn từ 50 đến 80 hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tham gia, học hỏi thêm kinh nghiệm quản lý kinh doanh từ những chia sẻ của các chuyên gia, cán bộ quản lý các sở, ban, ngành liên quan, các chủ doanh nghiệp. Từ đó giúp các chị tự tin hơn trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của mình.
Đối với phụ nữ nhập cư khi khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh còn gặp nhiều khó khăn hơn, vì mục đích của hội viên phụ nữ khi khởi nghiệp thường vì nhu cầu thiết yếu nhiều hơn, phần lớn các hoạt động kinh doanh của chị em ở quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và phạm vi kinh doanh hẹp.
Bà Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN TP Hồ Chí Minh cho biết: “Đối với chị em phụ nữ nhập cư, hội phụ nữ chưa thể duyệt cho vay vốn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hội có tổ chức các lớp miễn phí học giúp phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, chủ cửa hàng áo dài Thanh Hà tại địa chỉ 264E Pasteur, phường 8, quận 3 là một trong những hội viên được hỗ trợ về kiến thức và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chị Hà chia sẻ: “Tôi được hội giúp đỡ tạo điều kiện học cách quảng bá, làm thương hiệu và kết nối có nhiều đơn hàng. Trong thời gian qua do Covid-19, lễ hội ít hơn, nên nhu cầu sử dụng áo dài ít hơn, nhưng mình vẫn đủ đơn hàng để duy trì cửa hàng, nuôi thêm 3 thợ phụ”.
Ngoài ra, thành phố có Hội nữ Doanh nhân TP Hồ Chí Minh (HAWEE) với quy mô 500 hội viên đã có nhiều hoạt động giúp đỡ doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19. Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi cung cấp các kiến thức, góc nhìn, và thảo luận các giải pháp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong ngắn hạn, trung hạn và tầm nhìn dài hạn sau dịch. Hiện HAWEE có 30 cặp “Người dẫn dắt” và “Người được dẫn dắt” được gắn kết và đồng hành cùng nhau. Chương trình này là một trong những công cụ truyền tải thông điệp và giúp nữ doanh nhân trẻ, hội viên mới của HAWEE, nhân viên được chia sẻ kinh nghiệm, phát triển kinh doanh”.