Đứng trước những con số ấy, người ta lại không quên nhắc tới vai trò của người đứng đầu: Nữ doanh nhân quyền lực Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk.
Quyết đoán, bản lĩnh trong kinh doanhSinh ra tại Pháp, được đào tạo bài bản ở Nga, bà Mai Kiều Liên đã trở về và gắn bó với Vinamilk từ những ngày đầu thành lập, tiền thân là Công ty Sữa – Cà phê miền Nam vào năm 1976. Từ công việc ban đầu là kỹ sư, bà Mai Kiều Liên đã khẳng định tài năng của mình bằng việc được đề bạt lên các vị trí quản lý, đặc biệt được tín nhiệm giao vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay. Năm 2003, khi Vinamilk được cổ phần hóa, bà kiêm chức Chủ tịch HĐQT. Qua nhiều năm công tác và lãnh đạo, bà Mai Kiều Liên đã có nhiều đóng góp to lớn giúp Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và có vị thế trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Vinamilk cũng tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu sữa của người Việt và phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành sữa Việt Nam.
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao quyết định hợp tác với Tập đoàn Vinamilk. Ảnh: Thanh Hải. |
Còn nhớ, thời điểm những năm 1976 - 1980, ngành sữa Việt hoàn toàn không có gì, kể cả đàn bò. Máy móc, thiết bị cũ, mọi nguyên liệu đều phải nhập ngoại. Khi đó, Vinamilk có 2 nhà máy công suất thiết kế 196 triệu tấn/năm, nhưng thực tế chỉ sản xuất 8 triệu tấn. Một nhà máy vì không có nguyên liệu, công nhân nghỉ việc nên phải đóng cửa. Vấn đề làm sao có thể phục hồi sản xuất, tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm đưa công ty phát triển bền vững luôn là trăn trở của những người lãnh đạo Vinamilk thời bấy giờ.
Xác định chìa khóa để vực dậy sản xuất DN là vốn và máy móc kỹ thuật, bà Mai Kiều Liên khi ấy đã có hai quyết định táo bạo được coi “phá rào”. Đầu tiên, để có ngoại tệ nhập khẩu thiết bị máy móc, bà đã thống nhất, hợp tác với DN xuất nhập khẩu trong nước. Sau khi giải quyết bài toán vốn ngoại tệ, để có thể mua nguyên liệu sản xuất, nhiệm vụ lúc này của Vinamilk là phải nâng cấp, sửa chữa máy móc, bà Mai Kiều Liên quyết định bỏ qua 2 nhà thầu nước ngoài bởi chi phí quá sức, trên dưới hơn 3 triệu USD, và tìm đến đội ngũ giảng viên, kỹ sư tại các trường đại học kỹ thuật trong nước với gói hợp đồng thi công 500.000 USD - nhưng khi hoàn thiện chỉ mất 200.000 USD. Sau đó không lâu, nhà máy sản xuất sữa bột Việt Nam đầu tiên được vận hành.
Là người phụ nữ quyết đoán và có suy nghĩ cấp tiến, bà Mai Kiều Liên tiếp tục đưa ra những quyết định kịp thời, đúng thời điểm như đầu tư vùng nguyên liệu từ sớm (đầu những năm 1990), tiến hành tái cấu trúc Vinamilk (2003), đưa Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2006), quyết định đầu tư và ngừng đầu tư trong lĩnh vực bia, cà phê (giai đoạn 2005 - 2010). Đặc biệt, bà đã cùng Vinamilk sớm đi trước đón đầu khi quyết định xây dựng nhà máy sữa hiện đại nhất châu Á tại Bình Dương. Mua lại Công ty sữa Driftwood Dairy tại Mỹ và cho ra đời sản phẩm sữa mang thương hiệu Việt Nam tại Mỹ và nhập khẩu về Việt Nam. Mới đây, Vinamilk đã trở thành DN tiên phong sản xuất sữa organic tại Việt Nam với việc khánh thành trang trại bò sữa organic tiêu chuẩn châu Âu tại Đà Lạt.
Khiêm nhường, giản dị trong đời thường
Trong khuôn khổ chương trình hội nghị “Hà Nội 2017 – Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên đã ký kết bản ghi nhớ Hợp tác đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Hà Nội. Dự án có quy mô 8.000 con bò sữa trên diện tích gần 800ha tại huyện Ba Vì, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2017 - 2019. |
Với những đóng góp cho ngành sữa và tạo nên thương hiệu sữa Việt - Vinamilk trên toàn cầu, bà Mai Kiều Liên đã từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá: 3 lần được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á; được bình chọn cho danh hiệu “Những nhà lãnh đạo DN xuất sắc nhất khu vực châu Á trong lĩnh vực quản trị DN; là người phụ nữ duy nhất của Việt Nam và châu Á được nhận giải thưởng Nikkei châu Á lần thứ 20, trong lĩnh vực Kinh tế và đổi mới DN.
Mặc dù là một nữ doanh nhân bản lĩnh, đầy quyền lực nhưng trong cuộc sống đời thường, bà vẫn là người phụ nữ khiêm nhường, giản dị. Xong công việc công ty về nhà, bà vẫn là một bà nội trợ chính với việc nấu nướng, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa... “May mắn là vợ chồng tôi là bạn học từ hồi phổ thông, sau đó tôi đi học ở bên Nga, còn chồng tôi học ở Ba Lan. Chúng tôi hiểu nhau, chia sẻ và đồng cảm với nhau, ngay cả trong những việc nhà. Thường các buổi tối sau khi việc nhà xong, khoảng 22 giờ tối, tôi thường mở mail xem có mail nào gửi cần xử lý không, tôi có thể liên hệ được tất cả các anh em ở tất cả các vùng miền khác nhau, bất cứ lúc nào. Gia đình là chốn bình yên để tôi nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, giúp tôi lấy lại năng lượng để làm việc hiệu quả hơn” – bà Mai Kiều Liên chia sẻ.
Đồng hành cùng Vinamilk trong suốt chặng đường từ ngày đầu khó khăn đến thành công như hôm nay, bà Mai Kiều Liên - người phụ nữ có bề ngoài lịch thiệp, giản dị mà rất đàn bà ấy - thực sự đã góp phần khẳng định vai trò của người đứng đầu trong việc tạo bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển của DN.
Vinamilk có hơn 200 sản phẩm dinh dưỡng các loại và 7 tỷ sản phẩm được tiêu thụ trong nước hàng năm. Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn Vinamilk là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, với 1,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của DN từ mức xấp xỉ 30 triệu USD vào năm 1998 tăng lên gần 260 triệu USD năm 2016. Thời gian tới, Vinamilk đặt mục tiêu vào top 30 thương hiệu sữa lớn nhất toàn cầu về doanh thu. |