Thừa nhận giảm giá là một trong giải pháp hỗ trợ kích cầu, nhưng từ sau tết 2017 đến nay, khi giá heo hơi giảm 50 – 60%, tại sao Vissan không giảm giá ngay mà đợi đến bây giờ mới giảm?
- Năm ngoái, giá heo hơi ở mức cao nhưng Vissan vẫn phải thực hiện chương trình bình ổn, giá bán ra thấp nên công ty bị lỗ, phải lấy toàn bộ lợi nhuận ở phần chế biến bù qua phần tươi sống. Hiện nay, khi giá heo hơi xuống thấp đã tốt hơn về góc độ lợi nhuận nhưng bù phần lỗ của năm ngoái, sở Tài chính thông cảm điều đó.
Ông Nguyễn Ngọc An – Tổng giám đốc Vissan (trái) tiếp lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm việc với Vissan hồi cuối tháng 4 về chương trình giải cứu heo. Ảnh: TLHB. |
Ngoài ra, tôi cho rằng, nếu muốn so sánh giá đầu ra thì phải so sánh chất lượng heo. Tiêu chuẩn VietGAP chỉ nói lên chăn nuôi thực hành tốt, không có nghĩa là giá trị thương phẩm luôn luôn là số một. Heo VietGAP mà Vissan mua vô phân loại từ 1 đến 4, thậm chí có loại 5. Loại 1, thậm chí chúng tôi nâng lên loại 1+ để mua cao hơn 3% kích thích nông dân cải thiện chăn nuôi. Như vậy, khi thu mua, chúng tôi có heo VietGAP 1 và 1+ chiếm 70%, loại 2 và 3 chiếm 30%. Khi đưa vào giết mổ thì loại 1 và 1+ dùng làm thực phẩm tươi sống, hai loại còn lại đưa vào chế biến. Do đó, Vissan luôn sử dụng heo VietGAP loại 1 và 1+ để bán tươi sống cho người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp sử dụng heo loại 2, 3 nên giá thấp.
Dù cho Vissan bán heo loại 1 hay 1+ nhưng giá heo hơi đầu vào dao động từ 20.000 – 27.000 đồng/kg, việc duy trì giá cao trong thời gian dài là không hợp lý?
- Chúng tôi mua heo hơi 27.000 đồng/kg loại 1 và 1+, giết mổ hao hụt 25%, thu hồi 75% nên giá heo mảnh là 36.000 đồng/kg, ngoài ra còn có thể thu hồi một chút xíu ở phần nội tạng. Trong heo mảnh lại có xương, có mỡ, có nạc và nhiều loại nạc, mỗi thứ chiếm một tỷ lệ nhất định. Xương không bán được 36.000 đồng mà có mười mấy ngàn đồng, mỡ cũng vậy, nên giá nạc phải cao hơn. Do đó, đừng nghĩ người ta bán giá thấp, còn Vissan bán giá cao là không hợp lý, vì tỷ lệ nạc trong heo mảnh có 18% thôi. Loại ngon nhất phải bán giá cao, còn xương bán thấp. Như vậy, giá thành heo mảnh đã là 36.000 đồng, chưa kể chi phí vận chuyển, phân phối nên những đơn vị bán 35.000 đồng chắc chắn lỗ, trường hợp không lỗ thì giá mua không phải 27.000 đồng hoặc là họ phải mua heo loại 2 và 3.
Trước chương trình giảm giá gần đây, Vissan duy trì giá cao là hợp lý?
- Chi phí của mỗi doanh nghiệp hoàn toàn khác nhau. Một ông sử dụng xe ba bánh mua thịt ở chợ đầu mối đưa về chợ lẻ bán sẽ khác với một ông hoạt động có hệ thống cửa hàng như Vissan. Hệ thống của Vissan có điều kiện, ví dụ thịt heo được làm mát nên chi phí cao, còn nếu không làm mát thì sao, chở heo nóng cũng bán được nhưng không quá tám tiếng, vi khuẩn, vi sinh phát triển.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng chi cục thú y TP.HCM: Lượng heo giết mổ của Vissan tăng không đáng kể Số lượng heo giết mổ tại TP.HCM kể từ khi có chương trình giải cứu có tăng nhưng không đáng kể. Trung bình mổi đêm, thành phố giết mổ khoảng 5.500 – 5.600 con, tăng 300 – 400 con so với bình quân của năm trước. Vissan cũng tăng lượng heo giết mổ 300 – 400 con/đêm, nhưng chỉ trong thời gian từ 12 – 15.6 (tuần lễ Vissan thực hiện giảm giá – PV), tới đó là ngưng. Thời điểm Vissan giết mổ cao nhất là khoảng 2.100 – 2.200 con, có đêm 1.800 con, nhưng chỉ trong vòng có mấy ngày giảm giá thôi, còn lại là bình thường, không có gì khác. Những ngày thường, Vissan cũng có tăng nhưng thực chất là do vấn đề giết mổ gia công tăng. Một phần các cửa hàng của Vissan cũng có tăng nhưng đảm bảo không có tăng bao nhiêu. Tăng nhiều nhất là ở lò Xuyên Á của công ty An Hạ. Phân heo VietGAP từng loại là do quản lý nội bộ của từng doanh nghiệp “Heo VietGAP chỉ nuôi theo một tiêu chuẩn chứ không phân loại 1, 2, 3, 4… Phân loại như vậy là theo ý của doanh nghiệp, họ phân theo trọng lượng, chất lượng quầy thịt sau khi giết mổ để đưa ra nhiều loại thịt, từ loại 1 đến loại 4 rồi tính tiền thịt VietGAP khác nhau, còn đầu vào chỉ có một tiêu chuẩn VietGAP!”, ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM nói. |