HĐQT Thuduc House (TDH) vừa thông qua chủ trương tiếp tục chuyển nhượng vốn góp tại công ty liên kết. Trong đó, TDH sẽ chuyển nhượng toàn bộ gần 17 triệu cổ phần, tương đương 43% vốn tại công ty Fideco (FDC). Trước thời điểm thương vụ diễn ra, FDC là công ty con của Thuduc House.
Giá bán được xác định theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng nhưng không thấp hơn 12.000 đồng/cp. Thời gian chuyển nhượng trong vòng 3 tháng kể từ ngày thông qua quyết định chuyển.
Trên thị trường, cổ phiếu FDC giao dịch lình xình tại mức 12.500 đồng/cp, thanh khoản thấp. Tạm tính theo thị giá này, TDH dự thu về khoảng 200 tỷ đồng.
Về phía TDH, Công ty cũng vừa thông qua việc chuyển nhượng 22,49% vốn tại công ty liên kết - CTCP Chứng khoán Sen Vàng với giá chuyển nhượng tối thiểu 5.000 đồng/cp. Thương vụ ước tính đem về cho doanh nghiệp bất động sản này khoảng 15 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Động thái này diễn ra giữa bối cảnh Công ty đang gặp phải khủng hoảng liên quan đến quyết định của Cục thuế TP Hồ Chí Minh về việc truy thu thuế GTGT đã được hoàn của hoạt động xuất khẩu mặt hàng linh kiện điện tử.
Tại báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2020, con số lỗ ròng của TDH tăng mạnh từ 30 tỷ đồng lên đến 363 tỷ đồng, tức tăng thêm 333 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh này là do trong báo cáo kiểm toán, chi phí QLDN được điều chỉnh tăng cao lên gấp 4 lần từ 96 tỷ đồng lên 403 tỷ đồng, trong đó, khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi chiếm 307 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kiểm toán còn đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc vi phạm hành chính về thuế của TDH. TDH đã ghi nhận khoản phải nộp theo các quyết định số 5438 và 5439 tại ngày 25/12/2020 của Cục thuế TP Hồ Chí Minh về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính bao gồm thu hồi tiền thuế GTGT được hoàn cao hơn quy định và tiền chậm nộp thuế với tổng số tiền là 396,35 tỷ đồng.
Khoản thua lỗ tăng cao so với trước kiểm toán được xác định do chi phí quản lý doanh nghiệp được điều chỉnh tăng gấp 4 lần, từ 96 tỷ lên 403 tỷ đồng, đi kèm là khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi 307 tỷ. Trong khi đó, các chỉ tiêu về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ không thay đổi nhiều, đạt 1.961 tỷ đồng.
Trước đó, Nhà Thủ Đức là một trong 2 doanh nghiệp (cùng với Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam) bị xác định có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT) thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu linh kiện điện tử với các doanh nghiệp trung gian, bao gồm cả doanh nghiệp ma (không tồn tại).
Cụ thể, cơ quan quản lý xác định từ năm 2017-2019, Thuduc House đã lập 501 tờ khai xuất khẩu linh kiện điện tử (xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong) với giá trị gần 5.286 tỷ đồng và được hoàn thuế gần 261 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua xác minh, cơ quan Hải quan cho biết phần lớn doanh nghiệp bán hàng cho Thuduc House đều không có tại địa chỉ đăng ký; thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở chính, thông tin về chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, thông tin về nơi đăng ký quản lý thuế…
Thuduc House sau đó đã tạm nộp gần 400 tỷ đồng tiền thuế theo quyết định truy thu, nhưng vẫn chờ kết luận cuối cùng nên trong báo cáo tài chính, công ty ghi nhận một khoản phải thu giá trị tương ứng.