Gia đình ông Ngô Trung Trực ở thôn 9 xã Hoa Sơn có 2 sào gấc trồng được 3 năm. Loại gấc lai chất lượng tốt, quả to, trọng lượng quả trung bình đạt 2- 3kg. Quả ít gai, có màu xanh đen, khi chín có màu đỏ, tỷ lệ long cùi cao, ruột đỏ thẫm.
Ngày thường, gấc được bán với giá 5.000 - 7.000 đồng/kg, vào dịp lễ tết gấc rất đắt hàng, mỗi kg được bán với giá 12.000 đồng nhưng vẫn không có hàng bán.
Gấc lại được nhiều gia đình ở Anh Sơn trồng theo hướng hàng hóa. |
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Tuyền, xóm 2 xã Tào Sơn trồng 5 sào gấc, quả treo lủng lặng, dày đặc. Ông Tuyền cho biết: Gấc lai là một loại cây sống khá lâu từ 15 - 20 năm, không kén đất, ít sâu bệnh hại, nên gia đình đã đầu tư làm giàn kiên cố bằng cọc bê tông cho gấc leo để sử dụng lâu dài. Những lứa đầu, có những quả nặng tới 4 kg, trung bình mỗi lần thu hoạch, gia đình ông hái được 3,5 tạ, với gíá thu mua 7.000 đồng/kg, gia đình thu về 6 - 7 triệu đồng/sào.
Mô hình trồng gấc lai đen ở xã Tào Sơn có 32 hộ tham gia trồng gấc. Ông Hoàng Văn Cầm chủ tịch hội nông dân xã Tào Sơn cho biết: Hiện nay, xã Tào Sơn có 5,4 ha gấc, qua hơn 2 năm triển khai, mô hình đạt mỗi năm 6-7 tạ/sào, cho thu nhập từ 10- 15 triệu đồng/sào, sau khi thu hoạch gấc xong, công ty cổ phần thực phẩm Nghệ An sẽ bao tiêu, thu mua gấc tại vườn.
Cây Gấc có thể lưu gốc được trên 15 năm. |
Hiện nay cây gấc lai tập trung chủ yếu ở các xã Tào Sơn, Hội Sơn, Phúc Sơn, Hoa Sơn… Theo tính toán của các hộ trồng gấc, 1 ha gấc sản lượng vụ đầu đã đạt từ 10-12 tấn. Với giá như hiện nay, trừ chi phí mỗi ha gấc cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng. Từ vụ thứ 2, loại bỏ những giống gấc đực không cho quả bằng giống gấc cái để đạt 100% diện tích cho sản lượng thu nhập sẽ còn tăng hơn nhiều.
Năm 2015, huyện Anh Sơn đã vận động bà con cải tạo đất, vườn, trồng mới 10 ha gấc, đưa diện tích gấc lai hàng hóa toàn huyện đạt 76 ha.