Cú đấm bất lực từ những người chạy xe ôm
Cuối năm ngoái, một số lái xe của Grab đã bị tấn công. Bạo lực nảy sinh bởi những người xe ôm truyền thống cho rằng họ bị cướp khách, mất đi sinh kế. Xung đột đã leo thang đến nỗi tồn tại chiến dịch truyền thông mang thông điệp rằng những người lái xe của Grab thực tế cũng chỉ là lao động bình thường, tương tự những người lái xe ôm.
Những cú đấm bất lực giữa những người lao động nay đã được đẩy nâng tầm, trở thành câu chuyện của những doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Cuối tháng 4, trong cuộc họp ĐHCĐ Vinasun, ông chủ Đặng Phước Thành đã tuyên bố sẽ đâm đơn kiện Uber và Grab vì phá giá thị trường. Về sau, trả lời báo giới, phía Vinasun cho biết họ đang thu thập chứng cứ và sẽ theo kiện đến cùng, họ cũng không phải là đơn vị duy nhất.
Hay mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh cho biết những chiêu miễn phí giá dịch vụ của Uber, Grab khiến các doanh nghiệp taxi truyền thống đứng trên bờ vực phá sản.
“Thực tế cho thấy Uber và Grab đang cạnh tranh quyết liệt để triệt hạ nhau. Nhưng việc họ cạnh tranh về giá, chất lượng dịch vụ gây sức ép đẩy taxi truyền thống vào con đường phá sản”, ông Thanh nói.
Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống “tố” Grab, Uber trốn thuế, đóng thuế thấp nên mạnh tay giảm giá, khuyến mại, dẫn đến việc cạnh tranh bất bình đẳng. Thậm chí cùng một tuyến đường nhưng hai hãng này giảm giá 60-70% so với taxi truyền thống.
Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng có văn bản gửi Cục Xúc tiến thương mại kiến nghị xử lý Grab, Uber khuyến mại tràn lan, vi phạm luật cạnh tranh. Hiệp hội này cho rằng sự bùng nổ của Uber, Grab làm phá vỡ quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng taxi mà nhiều địa phương xây dựng.
Cho đến nay, các Bộ ngành liên quan đã ghi nhận những kiến nghị này nhưng chưa đưa ra một kết luận chính thức nào. Tuy nhiên, ở góc độ thị trường, với tính năng vượt trội về giá cả và sự tiện lợi, Uber và Grab đang ghi điểm với người tiêu dùng hơn hẳn taxi truyền thống. Mà như Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường nhận xét trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 rằng đây là “một trong những vấn đề thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được thế giới quan tâm, người tiêu dùng ủng hộ”.
Sự huỷ diệt mang tính sáng tạo?
Nói về xung đột giữa taxi truyền thống và 2 loại hình phương tiện mới là Uber và Grab, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định đó là điều bình thường khi thị phần bị chia sẻ, nó cũng tương tự Vietlott và xổ số truyền thống.
Uber và Grab đã cho thấy phương thức mới trong vận chuyển nhờ vào tiến bộ công nghệ, giúp khách hàng và nhà cung cấp có sự tương tác. Thông qua đó tạo sự tiện lợi giúp giảm chi phí vận chuyển, bên cạnh đó khách hàng có quyền chọn lựa xe, dịch vụ, địa điểm, phản hồi thông tin nhanh chóng.
Về giá rẻ, ông Hiển cho rằng nó chỉ mang tính chất tương đối do tính thời điểm. Ông dẫn ra vào giờ cao điểm hay thời tiết xấu, giá của Uber và Grab có giá rất cao, nếu chia nhỏ quãng đường có thể bằng hoặc cao hơn 1 số hãng taxi truyền thống.
“Dù vậy, Uber và Grab vẫn có nhiều tiện lợi, đặc biệt thích hợp cho những khách hàng thích ứng với đời sống đô thị, với công nghệ”, ông nói.
“Chúng ta sẽ còn gặp nhiều mô hình như vậy trong làn sóng công nghệ 4.0. Lý lẽ của taxi truyền thống cũng không hoàn toàn sai, vì khi cái mới nảy sinh, hành lang pháp lý sẽ có nhiều điểm không thể tương thích ngay được. Tuy nhiên, tự bản thân taxi truyền thống cũng nên tự trách mình, họ đã ‘ngủ quên’ quá lâu”, ông Hiển nói thêm.
Trên thực tế, ngoài việc đính giá mang tính thời điểm, Uber và Grab đều thực hiện các chiến dịch khuyến mại mang tính chất "càn quét" thị trường hay bán lỗ trong những giai đoạn nhất định nhằm giành thị phần. Đây chính là lý do khiến các hãng taxi bức xúc dù điều này đem lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, GĐ Grab Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh đã từng thừa nhận với báo chí rằng, khó khăn lớn nhất của công ty không phải là những mâu thuẫn khi thay đổi một ngành công nghiệp, khó khăn đến từ việc làm sao để luôn chuyển động, hôm nay tốt hơn hôm qua.
Vì với quy luật thị trường, như nhận xét của chuyên gia Đinh Thế Hiển, bất cứ điều gì cũng sẽ bị “nuốt chửng” nếu không có sự thay đổi phù hợp.
Trong cuốn Đường tới thịnh vượng toàn cầu, GS. Michael Mandelbaum có nhắc đến di sản của Joseph Schumpeter - nhà tư tưởng kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20, cụm từ “sự huỷ diệt mang tính sáng tạo”.
Schumpter cho rằng động lực giúp cỗ máy kinh tế vận hành chính là hàng hoá tiêu dùng mới, phương thức sản xuất hoặc vận tải mới, thị trường mới, hình thức doanh nghiệp mới được tạo ra. Các hoạt động thị trường không ngừng cải tổ cơ cấu nền kinh tế từ bên trong, liên tục phá huỷ những cái cũ và tạo ra cái mới.
Chính quá trình này đã giúp cho kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, đi cùng với sự sáng tạo là những thói quen cũ bị mất đi, những doanh nghiêp cũ bị phá huỷ, những người mà công việc của họ được người khác làm hiệu quả hơn sẽ không còn tồn tại và mất việc.
Sáng tạo nhưng đồng thời cũng là sự huỷ diệt, việc làm, doanh nhiệp, toàn bộ một ngành, và những khách hàng, những vùng vệ tinh của chúng. Schumpeter cũng nhấn mạnh rằng chắc chắn có sự xung đột, sự phản đối từ phía thua cuộc nhưng kinh tế tăng trưởng nhờ thị trường tạo ra người thắng – kẻ thua.
Trên đường phố giờ lác đác một vài chiếc xe taxi với phần đuôi xe được dán khẩu hiệu, viết rằng đi xe taxi truyền thống là bảo vệ nguồn tài chính quốc gia. Đó dường như là một biện pháp tự vệ đánh vào lòng yêu nước nhưng không thực tiễn, như chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận xét. Vì cái gốc, theo ông là phải bắt kịp được công nghệ, thị trường để không bị tụt hậu.