Thảm kịch của đại gia
Trong tháng 3/2017, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến hiện tượng hy hữu: một doanh nghiệp có tài sản cả ngàn tỷ đồng phải nhiều lần xin Cục thuế từng hóa đơn xuất hàng cho khách lẻ, với doanh thu một vài chục triệu đồng.
Trên trang web của doanh nghiệp đình đám một thời giờ không cập nhập thông tin hoạt động chính, thay vào đó chỉ còn lời chào mời bán tour chương trình du lịch thăm quan Phú Yên với giá vài trăm ngàn đồng/người.
Lần xin cục thuế từng hóa đơn xuất hàng. |
Cổ phiếu của doanh nghiệp xuống 300-400 đồng, bằng 1/10 giá một cốc trà đá và thường xuyên không có giao dịch trên TTCK. Doanh nghiệp đã từng có vốn chủ sở hữu đạt 450 tỷ đồng, nhưng tới cuối 2016 âm hơn 420 tỷ đồng, không còn vốn lưu động để sản xuất, trong khi chi phí lãi vay và chi phí phạt chậm nộp thuế phát sinh không ngừng.
Hồi cuối tháng 2, Cục thuế tỉnh Phú Yên đã hủy bỏ giá trị sử dụng toàn bộ hóa đơn, bao gồm cả tem, vé và thẻ của Thuận Thảo do nợ thuế hàng trăm tỷ đồng mà không thanh toán được. Trước đó, giữa 2016, DN đã bị hủy niêm yết toàn bộ 43,5 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM do âm vốn chủ sở hữu và sau đó chuyển sang thị trường Upcom.
Đây thực sự là thảm kịch đối với CTCP Thuận Thảo (GTT) - một thương hiệu lớn đầu tiên tại Phú Yên và thuộc hạng có tiếng tăm trên cả nước. Doanh nghiệp này từng sở hữu khách sạn 5 sao đầu tiên, siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên và bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam, khu du lịch nghỉ dưỡng, nhà hát,...
Thảm kịch thua lỗ nặng nề, của doanh nghiệp của nữ chủ tịch Võ Thị Thanh bắt nguồn từ 5-7 năm qua khi mà Thuận Thảo liên tục mở rộng đầu tư, phát triển như vũ bão với hàng loạt các dự án BĐS du lịch như: Khách sạn 5 sao Cendeluxe, Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai,... trong bối cảnh du lịch Tuy Hòa (Phú Yên) vẫn chưa thực sự phát triển và thị trường BĐS bước vào thời kỳ khủng hoảng.
Thuận Thảo đã bắt đầu thua lỗ và có doanh thu liên tục tụt giảm, nợ nần chồng chất từ năm 2013, bất chấp chủ tịch Võ Thị Thanh xóa nợ hàng chục tỷ đồng. Tới cuối 2016, Thuận Thảo lỗ lũy kế gần 900 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn lên tới hơn 950 tỷ đồng (trong tổng nợ hơn 1.280 tỷ đồng), cao hơn cả tổng tài sản tính tới cuối năm 2016 ở mức: 858 tỷ đồng.
Trang web Thuận Thảo trở thành trang chào bán tour du lịch. |
Báo cáo tài chính cho thấy, ngoài các khoản nợ ngân hàng trị giá hàng trăm tỷ đồng không có khả năng thanh toán, trong nhiều năm liền, Thuận Thảo thiếu tiền cổ tức, tiền vay mượn và tiền thù lao cho các thành viên trong gia đình của chủ tịch Võ Thị Thanh.
Đầu tư dàn trải, vay nợ vòng quanh
Một điểm bất thường trong báo cáo tài chính của Thuận Thảo là khoản đầu tư tài chính 400 tỷ đồng vào CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn - một công ty cũng do bà Võ Thị Thanh làm chủ tịch HĐQT.
Đây là khoản phát sinh từ 3/2013 theo hợp đồng cho vay với thời hạn vay là 12 tháng, nợ gốc vay và lãi vay được đảm bảo bằng quyền chuyển đổi thành vốn góp của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn.
Trong báo cáo tài chính năm 2013, khoản phải thu của khách hàng bất ngờ tụt giảm xuống chỉ còn 14 tỷ đồng, so với con số 412 tỷ đồng cuối năm 2012, tức chênh nhau gần 400 tỷ đồng. Điều này khiến cho nhiều người đặt dấu hỏi về đường đi của nguồn tiền này.
Bà Võ Thị Thanh từng là doanh nhân nổi tiếng gây dựng lên thương hiệu Thuận Thảo. |
Từ năm 2013, giữa bà Võ Thị Thanh, Thuận Thảo và Thuận Thảo Nam Sài Gòn đã có nhiều quan hệ vay mượn xóa nợ. Cho đến cuối 2016, Thuận Thảo Nam Sài Gòn vẫn chưa thanh toán khoản nợ gốc và lãi vay lên đến hơn 450 tỷ đồng cho GTT. Thuận Thảo gần đây thừa nhận có nguy cơ mất khả năng thu hồi khoản cho vay này.
Trên TTCK, Thuận Thảo là một doanh nghiệp tư nhân đi lên từ doanh nghiệp gia đình. Tất cả thành viên HĐQT là người trong một gia đình. Mô hình DN gia đình có trường hợp thành công, nhưng nhiều trong số đó gặp khó khăn như trường hợp Gỗ Trường Thành, Quốc Cường Gia Lai,...
Còn Thuận Thảo, lũy kế thua lỗ khổng lồ là do sử dụng đòn bẩy tài chính tài chính quá lớn, dùng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Đầu tư dàn trải, doanh thu không đủ đề bù đắp chi phí lãi vay khiến công ty rơi vào khủng hoảng kéo dài.
Ngoài ra, công ty phát triển bùng nổ nhưng quản trị không theo kịp. Số phận của doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào một người. Sự thiếu minh bạch với các khoản vay nợ lòng vòng các doanh nghiệp thuộc tư nhân cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động của DN.
Trong kinh doanh, nhất là khi doanh nghiệp đã niêm yết cổ phiếu trên TTCK, thì sự minh bạch là điều vô cùng cần thiết. Với các giao dịch liên quan đến cá nhân, đặc biệt là lãnh đạo hoặc người nhà của lãnh đạo doanh nghiệp, yêu cầu về sự minh bạch lại càng cao.