Đồ họa cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Theo đó, Tập đoàn Sơn Hải, đơn vị từng được biết đến với nhiều công trình chất lượng – đã gửi kiến nghị tới chủ đầu tư, đặt vấn đề về tính hợp lệ của thành viên trong tổ chấm thầu. Đặc biệt, Sơn Hải cho rằng ông Vũ Ngọc Trụ, người được giao vai trò tổ trưởng tổ chuyên gia chấm thầu, đã không còn hiệu lực chứng chỉ hành nghề tại thời điểm thực hiện nhiệm vụ.
Thông tin này lập tức làm dấy lên tranh cãi về tính minh bạch và khách quan trong quy trình đấu thầu. Theo phản ánh, mặc dù Tập đoàn Sơn Hải đưa ra giá dự thầu thấp nhất, song lại bị loại vì lý do "thiếu một số tài liệu kỹ thuật".
Ngoài Sơn Hải, ba nhà thầu khác cũng chung cảnh ngộ bị loại với lý do tương tự, tạo nên làn sóng hoài nghi từ phía các doanh nghiệp và dư luận về tiêu chí đánh giá của bên mời thầu.
Danh sách nhà thầu tham gia đầu dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước, chủ đầu tư cho biết việc đánh giá hồ sơ đã được thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, trước những phản ánh cụ thể và gay gắt từ doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu rà soát toàn bộ quy trình lựa chọn nhà thầu.
Còn thông tin, ông Vũ Ngọc Trụ, người được giao vai trò tổ trưởng tổ chuyên gia chấm thầu đã hết hạn chứng chỉ hành nghề, Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước cho biết đây là thông tin "không đúng sự thật", đồng thời khẳng định "Tổ chuyên gia này làm việc và chứng chỉ theo đúng quy định".
Diễn biến câu chuyện đấu thầu ở Bình Phước khiến dư luận quan tâm không chỉ bởi số tiền của gói thầu hơn 880 tỷ đồng, mà còn vì dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một - Chơn Thành là công trình trọng điểm trong kế hoạch kết nối giao thông liên vùng Đông Nam Bộ.
Khi biết mình bị loại cho dù giá dự thầu thấp nhất và hồ sơ pháp lý đầy đủ, ngày 26/5 Tập đoàn Sơn Hải đã có công văn gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước phản ánh kết quả trúng thầu. Tiếp đó, ngày 27/5, nhà thầu này có thêm công văn gửi UBND Bình Phước, tiếp tục phản ánh và đưa ra nhiều phản biện về kết quả đánh giá.
Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp nhận thông tin phản ánh để kiểm tra, làm rõ, đảm bảo tính minh bạch và đúng pháp luật trong lựa chọn nhà thầu.
Như đã đưa tin, ngày 26/5/2025, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải có văn bản gửi Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước phản ánh kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước. Theo nội dung văn bản, gói thầu có giá trị 880,7 tỷ đồng, được mở thầu vào ngày 17/3/2025. Có 5 nhà thầu tham dự, trong đó Tập đoàn Sơn Hải đưa ra mức giá dự thầu thấp nhất là 732,28 tỷ đồng, giảm 16,85% so với giá gói thầu (tiết kiệm gần 148,5 tỷ đồng). Một số đơn vị khác cũng đưa ra mức giá cạnh tranh như Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 (giảm 9,09%), liên danh cao tốc IB2500057961 (giảm 8,7%), và liên danh cao tốc Bình Phước (giảm 5,07%). Tuy nhiên, theo kết quả được công bố ngày 22/5/2025, liên danh nhà thầu HCM-TDM-CT – đơn vị có giá dự thầu cao nhất (866,45 tỷ đồng), với tỷ lệ giảm chỉ 1,62% – đã được lựa chọn trúng thầu. Các nhà thầu có giá dự thầu thấp hơn đều không trúng. Tập đoàn Sơn Hải cho rằng việc họ và nhiều nhà thầu khác bị loại (Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Xây dựng Đèo Cả, Công ty CP Tập đoàn Cienco4) là điều “rất ngạc nhiên”, đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quá trình lựa chọn nhà thầu. |